Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dư địa để giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãi suất huy động giảm mạnh, vốn huy động vào ngân hàng tiếp tục tăng nhưng DN vẫn khó vay vốn. Theo nhiều đại biểu Quốc hội, mức chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn cao khiến các DN không mặn mà vay vốn trong bối cảnh sức cầu yếu, làm ăn khó khăn hiện nay.

Ngân hàng đang “ế” vốn

Từ đầu tháng 10, một đợt giảm lãi suất huy động mới tiếp tục được các ngân hàng đồng loạt triển khai. Dẫn đầu về mức lãi suất huy động thấp nhất toàn thị trường hiện nay phải kể tới Agribank. Giữa tháng 10, lãi suất kỳ hạn 1 tháng của ngân hàng này chỉ còn 4,3%/năm, 2 tháng là 4,8%/năm. Biểu lãi suất tại các ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, Techcombank… cũng được điều chỉnh theo hướng giảm. 

“Ế” vốn là nguyên nhân khiến các ngân hàng mạnh tay giảm giá vốn đầu vào. Theo số liệu của Cục Thống kê Hà Nội, tổng nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tháng 10 đạt gần 1,16 triệu tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng 9 và tăng 10,8% so với tháng 12/2013. Huy động vốn tăng như vậy nhưng tín dụng cho vay vẫn ì ạch. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra con số 75% DN không có nhu cầu vay vốn. Cầu yếu, DN không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn ngân hàng, quản trị tài chính thiếu minh bạch… là những nguyên nhân khiến vốn thừa nhưng lại khó chảy vào sản xuất, kinh doanh. 
Hoạt động nghiệp vụ tại một Chi nhánh HDBank Hà Nội.      Ảnh: Thanh Hải
Hoạt động nghiệp vụ tại một Chi nhánh HDBank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
 
Đại diện Vietinbank cho biết, dòng vốn của ngân hàng này vẫn chủ yếu chảy vào trái phiếu, tín phiếu, trong khi vốn kinh doanh khá hạn chế. Ông Lê Công - Tổng Giám đốc MB cũng cho rằng, sức cầu yếu của nền kinh tế chưa được cải thiện, hàng tồn kho vẫn ở mức cao, nên các DN vẫn đang loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán tồn kho mà chưa nghĩ đến việc mở rộng sản xuất, kinh doanh. "Niềm tin của DN về sự phục hồi của nền kinh tế tương đối mong manh, do đó, họ chưa dám mạnh dạn đầu tư mà chủ yếu ở tư thế phòng thủ, chờ đợi những tín hiệu tích cực và rõ nét hơn về một chu kỳ phục hồi, tăng trưởng" - ông Công nhấn mạnh.

Tìm thêm nguồn vốn giá rẻ 

Theo ông Nguyễn Trường Sơn - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam - hiện nay, mặt bằng lãi suất tuy đã giảm mạnh so với trước đây, song bất cập là chênh lệch lãi suất huy động và cho vay vẫn đứng ở mức cao.Thực tế, sau những đợt liên tiếp hạ lãi suất huy động thời gian gần đây, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn ngắn của các ngân hàng hiện chỉ còn 4,5 - 5%/năm, lãi suất kỳ hạn dài khoảng 7%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay trên thị trường đang dao động ở 8 - 12%/năm tùy từng lĩnh vực. Như vậy, chênh lệch lãi suất huy động - cho vay hiện đang đứng ở mức khá cao, từ 3,5 - 5%/năm, tùy từng ngân hàng. Mức chênh lệch này, theo nhiều DN và chuyên gia kinh tế là quá cao trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) cho rằng, ngân hàng sống bằng chênh lệch lãi suất là đương nhiên, song mức chênh lệch như hiện nay là quá cao. Do đó, ngân hàng cần phải giảm mức chênh lệch này xuống còn khoảng 2,5% để hỗ trợ DN. Cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietinbank Phạm Huy Hùng cũng cho rằng, trong điều kiện kinh tế khó khăn hiện nay, lãi suất cho vay chỉ nên 6 - 7%/năm mới có thể hỗ trợ được DN. Nhưng mức lãi suất thấp chỉ áp dụng cho khách hàng tốt - vốn rất khó tìm trong điều kiện hiện nay, vì vậy, đa số DN vẫn đang phải "rất khổ" với lãi vay 11 - 12%/năm.

Tại các cuộc kết nối ngân hàng - DN trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, trước kiến nghị giảm thêm lãi suất của nhiều DN, bà Nguyễn Thị Mai Sương - Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, chênh lệch lãi suất huy động và cho vay nhiều khoản vay hiện đã ở mức âm. Tuy nhiên, NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn tiếp tục tìm thêm các nguồn vốn giá rẻ để giảm thêm lãi suất cho vay.