KTĐT - Dự kiến tiêu chí đầu tiên để xét di dời là vị trí trường. Các cơ sở trường nằm ở vị trí có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua, khu vực sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm… không phù hợp với môi trường giáo dục đào tạo cần phải dịch chuyển đến vị trí mới. Các vị trí nằm trong định hướng phát triển chiến lược của đô thị, cần phải chuyển đổi để bố trí cho các mục đích khác của đô thị như hạ tầng đầu mối, an ninh quốc phòng, dịch vụ công cộng...
Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội đang đề xuất với UBND Thành phố Hà Nội về việc di dời các cơ sở giáo dục ra khỏi trung tâm thành phố. Theo đó, việc di dời sẽ theo 5 tiêu chí, các địa điểm để di dời các trường học là khu vực Gia Lâm, các khu vực đô thị vệ tinh như Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên, Chúc Sơn.
Dự kiến tiêu chí đầu tiên để xét di dời là vị trí trường. Các cơ sở trường nằm ở vị trí có các tuyến giao thông quan trọng chạy qua, khu vực sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm… không phù hợp với môi trường giáo dục đào tạo cần phải dịch chuyển đến vị trí mới. Các vị trí nằm trong định hướng phát triển chiến lược của đô thị, cần phải chuyển đổi để bố trí cho các mục đích khác của đô thị như hạ tầng đầu mối, an ninh quốc phòng, dịch vụ công cộng...
Tiêu chí thứ hai là môi trường, tiêu chí thứ ba là quy mô đất đai, tiêu chí thứ tư là lịch sử phát triển, tiêu chí thứ năm là ngành nghề và lĩnh vực đào tạo. Kế hoạch di dời dự kiến sẽ được chia theo 3 nhóm.
Nhóm 1 được giữ lại, nâng cấp cải tạo. Các cơ sở thuộc nhóm này sẽ được điều chỉnh lại tính chất chức năng và quy hoạch kiến trúc cho phù hợp với yêu cầu của phát triển đô thị và nhu cầu phát triển của trường. Đối với các trường có lịch sử phát triển lâu đời cần có biện pháp tu bổ, bảo tồn để trở thành di sản đô thị.
Nhóm 2 là nhóm tiến hành di chuyển một phần hoặc chuyển đổi loại hình đào tạo ra cơ sở 2 nằm ở các khu vực nằm ngoài đô thị trung tâm. Cơ sở hiện hữu được cải tạo nâng cấp hoặc chuyển đổi mục đích một phần sang các mục đích đô thị khác, được quản lý phát triển chặt chẽ phù hợp với định hướng phát triển chung của toàn đô thị.
Nhóm 3 thuộc diện di chuyển toàn bộ cơ sở đào tạo ra vị trí mới. Cơ sở hiện hữu được chuyển sang các chức năng phục vụ đô thị (công viên, hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ,…); trong đó ưu tiêu cho các mục đích tăng cây xanh, chỉ tiêu hạ tầng xã hội và chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật của khu vực hoặc sử dụng cho các chức năng đặc biệt của đô thị. Hạn chế tối đa việc chất tải thêm quy mô dân số đối với hạ tầng hiện có của khu vực.
Theo thông tin từ UBND Thành phố, trên địa bàn Hà Nội hiện có khoảng 1/3 số trường ĐH, CĐ (96 trường) và tới 40% tổng số SV cả nước theo học (khoảng 66 vạn SV). Riêng 4 quận nội thành có 26 cơ sở. Bộ Xây dựng đã đề xuất 23 cơ sở giáo dục cần cải tạo và di dời.
Trong đó 12 cơ sở giáo dục phải di dời gồm: ĐH Công đoàn, ĐH Kinh tế kỹ thuật công nghiệp, ĐH Luật HN, ĐH Ngoại thương, ĐH Răng Hàm Mặt, ĐH Văn hóa HN, ĐH Xây dựng, ĐH Y HN, ĐH Y tế công cộng, Viện ĐH Mở, CĐ Công nghệ cao HN, CĐ Y tế HN. 11 cơ sở giáo dục phải cải tạo: ĐH Bách khoa HN, ĐH Dược HN, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Mỹ thuật công nghiệp HN, ĐH Thủy lợi, Học viện Âm nhạc quốc gia, Học viện Hành chính Quốc gia, Học viện Ngân hàng, Học viện Ngoại giao, CĐ Nghệ thuật HN.