Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch Ba Vì hướng đến sự thân thiện và phát triển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngành du lịch của Ba Vì đang ngày càng khẳng định thương hiệu trên bản đồ du lịch Việt Nam. Năm 2014, mùa du lịch mới chuẩn bị khai trương, UBND Ba Vì đang hướng đến mục tiêu đổi mới, thân thiện và phát triển vì một ngành kinh tế trọng điểm của huyện.

Vùng du lịch hấp dẫn

Nằm cách trung tâm Thủ đô Hà Nội 60km về phía Tây Bắc, Ba Vì là vùng đất địa linh, nhân kiệt, một vùng đất tối cổ, có truyền thống văn hoá lâu đời, độc đáo, đặc trưng bởi 3 dân tộc Kinh - Mường - Dao với những phong tục, tập quán, nét văn hoá riêng biệt. Nhắc tới Ba Vì có lẽ ấn tượng đầu tiên của du khách sẽ là về một nền văn hoá dân gian vật thể và phi vật thể độc đáo. Huyền thoại Sơn Tinh - Thủy Tinh, bản anh hùng ca hùng tráng nhất về sức mạnh Việt Nam trong thời kỳ dựng nước. Đó là truyền thuyết về vị thần được ngưỡng kính trong tâm thức ngàn đời người dân đất Việt - Đệ Nhất Phúc Thần Tản Viên, hay còn gọi là Nam Thiên Thần Tổ, vị thần đứng đầu trong Tứ Bất Tử.
Du lịch Ba Vì hướng đến sự thân thiện và phát triển - Ảnh 1
Với bề dày lịch sử, Ba Vì là nơi có hơn 500 di tích lịch sử văn hóa, trong đó có 79 di tích được xếp hạng, nhiều di tích lịch sử - văn hoá có giá trị đặc biệt như: Cụm di tích: Đền Thượng - Đền Trung - Đền Hạ thờ Tam vị Tản Viên Sơn Thánh; Đình Tây Đằng di tích được xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, Đình Thụy Phiêu được các nhà khoa học đánh giá là một trong những ngôi đình cổ nhất Việt Nam có niên đại tuyệt đối từ năm 1531 - thời Nhà Mạc; Đền thờ Bác Hồ, Khu di tích lịch sử K9 (nơi lưu giữ những kỷ vật liên quan đến Bác Hồ khi Người ở đây) cùng hàng trăm di tích lịch sử, văn hoá có giá trị khác.

Ba Vì được thiên nhiên ưu đãi ban tặng cả bức tranh sơn thuỷ hữu tình, với hệ sinh thái phong phú, thảm thực vật đa dạng, được coi là “lá phổi xanh” phía Tây thủ đô Hà Nội. Nơi đây có rất nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như: Núi, đồi, rừng, thác, suối, sông, hồ cùng với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như: Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Hồ Tiên Sa (gắn liền với truyền thuyết “Sơn Tinh - Thủy Tinh”), Thiên Sơn - Suối Ngà, Khu du lịch Tản Đà, Thác Đa, Hồ Suối Hai, Hồ Cẩm Quỳ, Rừng nguyên sinh Bằng Tạ - Đầm Long, Đồi cò Ngọc Nhị... Nơi có nhiều trang trại đồng quê, nhiều sản phẩm nông nghiệp phong phú, có nguồn nước khoáng nóng thiên nhiên tại Thuần Mỹ rất thuận lợi cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng.

Nhận thấy thế mạnh của lịch sử và thiên nhiên ban tặng, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Ba Vì đã xây dựng mục tiêu phát triển du lịch và dịch vụ thành ngành kinh tế trọng điểm của địa phương. Chính từ công tác chỉ đạo đúng hướng, nên từ năm 2011 đến năm 2013 ngành du lịch Ba Vì đạt được mức tăng trưởng ổn định: Tổng doanh thu đạt 630 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân 15,3%; tổng lượt khách đạt hơn 4,3 triệu lượt người, tốc độ tăng đạt 16%. Chỉ tính riêng năm 2013, tổng lượt khách đến tham quan Ba Vì đạt 2,3 triệu lượt, doanh thu đạt 210 tỷ đồng (đạt 105% mục tiêu đề ra).
Du lịch Ba Vì hướng đến sự thân thiện và phát triển - Ảnh 2
Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Vì có 15 đơn vị kinh doanh du lịch với các sản phẩm chủ yếu như: Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch hội thảo… Trong đó, hai loại hình du lịch sinh thái và du lịch nghỉ dưỡng hoạt động hiệu quả nhất, thu hút nhiều tầng lớp Nhân dân tham gia. Chính nhờ sự phát triển mạnh mẽ nên trong thời gian qua, ngành du lịch đã tạo việc làm ổn định cho hơn 1.000 lao động tại chỗ và thu hút hơn 3.000 lao động địa phương và các vùng lân cận đến kinh doanh trong mùa du lịch, góp phần làm giảm đáng kể các tệ nạn xã hội. Tiêu thụ hàng trăm tấn hoa quả, nông sản của bà con nông dân có giá trị kinh tế cao. Nhiều ngành thủ công mỹ nghệ dân gian được phục hồi. Đời sống Nhân dân được cải thiện.

Chú trọng về chất

Trong thời điểm nền kinh tế cạnh tranh, rất nhiều địa phương quan tâm phát triển du lịch, huyện Ba Vì xác định để phát triển du lịch, trước tiên cần thu hút nguồn lực đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, quan tâm nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch từ sản phẩm phục vụ cho đến môi trường du lịch. Mục tiêu của huyện
Vào 20 giờ 30 phút ngày 24/4, UBND huyện Ba Vì sẽ tổ chức chương trình xúc tiến quảng bá khai trương Du lịch Ba Vì năm 2014 tại Khu du lịch Ao Vua. Sau màn cắt băng khai trương, chương trình nghệ thuật sẽ tái hiện truyền thuyết Sơn Tinh, Thủy Tinh và du lịch Ba Vì đổi mới, thân thiện, phát triển. Chương trình được truyền hình trực tiếp trên kênh HTV1 Đài Truyền hình Hà Nội.
Ba Vì là hướng đến một ngành du lịch phát triển bền vững, đảm bảo uy tín và chất lượng.  Chính vì vậy, trong thời qua, các đơn vị hoạt động du lịch ngoài việc thu hút khách, đã không ngừng đầu tư cơ sở hạ tầng như: Làm đường giao thông nội bộ, cải tạo nâng cấp nhà ăn, phòng nghỉ, khách sạn, hội trường, bể bơi, bãi đỗ xe, khu vui chơi giải trí… Tổng giá trị đầu tư từ năm 2011 đến 2013 lên đến hơn 200 tỷ đồng. Việc đầu tư cơ sở hạ tầng từ nguồn vốn ngân sách tập trung đến các khu du lịch được đặc biệt quan tâm. Từ năm 2011 đến nay, Ba Vì đã đầu tư xong tuyến đường 415 đi từ đền Hạ, Đền Trung với số vốn là 64 tỷ đồng; và đã hoàn thiện thủ tục chuẩn bị nâng cấp hai tuyến đường: Tuyến đường từ đường 87 đi Khu du lịch Ao Vua với số vốn 45 tỷ đồng, đường vườn quốc gia đi Khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà, du lịch Long Việt với số vốn 48 tỷ đồng.

Để du lịch Ba Vì trở thành thương hiệu trong lòng du khách, thời gian qua, UBND huyện Ba Vì không ngừng kiểm tra, giám sát các hoạt động kinh doanh của các đơn vị du lịch, nhằm đảm bảo các đơn vị kinh doanh du lịch hoạt động và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của Nhà nước như: Kinh doanh đúng ngành nghề đăng ký kinh doanh, thực hiện đúng niêm yết giá, lệ phí các loại theo quy định… Các cuộc hội thảo về thực trạng phát triển du lịch Ba Vì, tổ chức lớp đào tạo nâng cấp nhận thức cộng đồng về du lịch cho người dân ba xã: Ba Vì, Ba Trại và Thuần Mỹ đã được mở ra. Lớp học này bước đầu tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức về du lịch cho người dân 3 xã. Người dân hiểu thế nào là du lịch, du lịch cộng đồng, du lịch đem lại lợi ích gì cho người dân và làm thế nào để phát triển du lịch tại địa phương. Dự án “Phát triển mô hình du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng tại huyện Ba Vì” được UBND huyện Ba Vì phối hợp với Trung tâm Môi trường và Phát triển cộng đồng, trực thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên Việt Nam đã và đang thực hiện có hiệu quả.

Mở hội vì mùa du lịch  “thân thiện và phát triển”

Tiếng trống hội chuẩn bị lại điểm trên Khu du lịch Ao Vua (Tản Lĩnh, Ba Vì) mở đầu cho mùa du lịch năm 2014 với chủ đề “Thân thiện và phát triển”. Phát huy những thành tích đã đạt được từ năm 2011 đến nay, du lịch Ba Vì đang hướng đến sản phẩm du lịch có chất lượng cao nhằm thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao. Năm 2014, huyện Ba Vì đang hướng đến việc đầu tư có trọng điểm để xây dựng và phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa, lễ hội, nhất là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí tại các điểm du lịch. Hoàn thành lập quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Ba Vì và quy hoạch chi tiết khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, xúc tiến triển khai xây dựng dự án khu du lịch quốc tế Tản Viên Sơn – Hồ Suối Hai, khu du lịch nước khoáng nóng Thuần Mỹ, Hồ Cẩm Quỳ… nhằm tạo ra các sản phẩm mới thu hút ngày càng nhiều khách đến tham qua du lịch Ba Vì. Năm 2014, ngành du lịch Ba Vì phấn đấu đạt 2,4 triệu lượt khách, để đến năm 2015 có thể hoàn thành 2,6 triệu lượt khách như mục tiêu của Nghị quyết 09/NQ-HU đề ra, tạo việc làm ổn định cho 1.500 lao động tại các điểm du lịch, mang về 220 tỷ đồng vào năm 2014 và 230 tỷ đồng vào năm 2015 cho Nhân dân Ba Vì.

Đến với Vườn Quốc gia Ba Vì, du khách sẽ được đắm mình trong khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của núi rừng, được trở về với truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh linh thiêng mà đậm chất thơ. Đến với Ba Vì, du khách sẽ được trải nghiệm cùng các hoạt động du lịch nông nghiệp mang đậm dấu ấn văn hoá đồng quê Việt Nam. Đến với Ba Vì để trở về không gian thủa xưa với mái nhà tranh, giường tre, phản gỗ hoặc nếu muốn phòng ở tiện nghi, sang trọng… Đó là những cảm giác, trải nghiệm ngành du lịch Ba Vì đang từng bước gây dựng cho du khách. Để những người đã từng đến hoặc chưa từng đến Ba Vì luôn luôn ghi dấu về một vùng đất giàu giá trị lịch sử văn hóa, với những người dân luôn thân thiện, mở rộng tấm lòng đón chào du khách.