Nhiều chủ nhà hàng, khách sạn, lái xe taxi... lợi dụng nhu cầu của khách tăng cao đã tăng giá dịch vụ để “chặt chém”. Một lần nữa, người ta lại thấy buồn vì cách làm du lịch theo kiểu ăn xổi bấy lâu nay.
Đục nước, béo cò
Cuối tuần qua, tuyết rơi ở gần chục địa phương khu vực phía Bắc. Trong đó, mật độ tuyết rơi đậm đặc nhất phải kể đến các khu vực Ô Quy Hồ, Sa Pa, Mẫu Sơn, Đồng Văn. Được Trung tâm Khí tượng thủy văn T.Ư dự báo sớm, không chỉ các tín đồ đam mê xê dịch ở các tỉnh miền Bắc, mà nhiều du khách miền Nam cũng ra Bắc để trải nghiệm cảm giác tuyết rơi. Chính vì thế, những ngày qua, Sa Pa rơi vào cảnh quá tải. Trưởng Phòng văn hóa huyện Sa Pa Lù Văn Khuyên cho biết, đêm 23, rạng sáng 24/1, tại tất cả các điểm trên Sapa tuyết đã bắt đầu rơi, không như đợt trước, đợt này tuyết rơi dày và xuất hiện ở nhiều nơi. Chỉ trong ngày 24/1, hơn 10.000 lượt khách đổ lên huyện Sa Pa ngắm tuyết nên hầu hết các nhà nghỉ bình dân và khách sạn tầm trung đều trong tình trạng cháy phòng, chỉ còn lại phòng nghỉ ở các khách sạn cao cấp từ 4 sao trở lên.
“Ăn theo” hiện tượng tuyết rơi, giá phòng, giá taxi tại nhiều nơi ở Sa Pa tăng chóng mặt trong hai ngày cuối tuần qua. Dù trả lời báo chí, cơ quan chức năng và các chủ nhà nghỉ, khách sạn khẳng định không tăng giá phòng nhưng theo phản ánh của nhiều du khách, giá phòng khách sạn ở đây tới trên 1.000.000 đồng/phòng. Thậm chí, có du khách có tiền cũng không thuê nổi phòng vì những khách sạn nằm ở địa điểm thuận lợi đã kín chỗ. Không chỉ giá phòng khách sạn được hét cao, giá xe ôm, taxi ở Sa Pa cũng tăng chóng mặt. Anh Trần Văn Tuấn (Hà Nội) cho biết: “Thông thường đi taxi hai chiều Sapa - Ô Quy Hồ chỉ khoảng 450.000 đồng, nhưng sáng 24/1 tôi phải trả 1.000.000 đồng cho hành trình này”. Chẳng những thế, giá dịch vụ homestay ở Sa Pa cũng tăng khoảng 3 lần lên 250.000 - 300.000 đồng/người. Không chỉ phải ôm “cục tức” vì bị chặt chém, nhiều người còn bị tắc đường do khách đông và băng tuyết trên đường nên vỡ kế hoạch. Vậy là, vẫn như mọi năm, khi có sự kiện đặc biệt, ở hầu hết các điểm đến vẫn xảy ra tình trạng tăng giá dịch vụ bừa bãi gây khó chịu cho du khách.
Vẫn là câu chuyện nhận thức
Những ai được chiêm ngưỡng tuyết dịp này chưa hẳn đã thỏa lòng, bởi, không ít người đã bị móc cạn túi tiền. Nhìn lại cảnh tượng du lịch Sa Pa cuối tuần qua, nhiều người trách rằng, cơ sở hạ tầng của ngành du lịch Việt Nam quá kém. Rồi, quản lý về mặt Nhà nước đối với ngành du lịch xem chừng chưa tốt; các cơ quan chức năng cứ mặc các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Lâu nay, chính quyền sở tại gần như vẫn quản lý theo kiểu “ngứa đâu gãi đó”. Rút giấy phép kinh doanh chỗ này, người ta lại mở nơi khác. Cứ thế, giải pháp tìm ra hướng đi mới cho ngành du lịch các địa phương như cái vòng luẩn quẩn, đâu lại vào đấy, thiệt thòi đổ đầu du khách. Vẫn biết, vài năm gần đây, hiện tượng “cả năm mài dao, vài ngày cắt cổ” chỉ còn là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng cách làm du lịch theo kiểu “ăn xổi ở thì” vẫn là vấn nạn của ngành công nghiệp không khói. Ngành du lịch đang ráo riết kêu gọi “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam”. Vậy thì, trước tiên, người Việt Nam đừng tự “cắt cổ” dân mình.
Tuy vậy, phải thẳng thắn với nhau rằng, không phải du khách mới chịu cảnh bực bội. Người dân ở vùng có tuyết rơi khốn khổ gấp trăm lần. Nhiều gia đình bị mất trắng hoa màu, gia súc chết… vậy mà, các “thượng đế” thiếu ý thức từ đâu tới lại cười đùa, giẫm đạp trên chính thửa ruộng, mồ hôi công sức của họ. Đó là chưa kể, người thân, thậm chí chính họ đang phải chịu nỗi đau bệnh tật do thời tuyết lạnh giá gây ra như: Xổ mũi, viêm phế quản, viêm phổi… Thiết nghĩ, ngành du lịch cần trích một phần lợi nhuận để góp phần làm giảm nỗi đau của đồng bào nơi đây. Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, muốn phát triển bền vững, điều quan trọng nhất là đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, xử sự văn minh, đặc biệt tránh việc “ăn xổi ở thì”. Vẫn biết việc này là khó, nhưng nếu nhận thức của mọi người được nâng lên đúng tầm, ắt sẽ thành công.
Người dân Hà Nội đổ về đỉnh núi Ba Vì xem tuyết rơi ngày 24/1. Ảnh: Hồ Hạ
|
Phó Giám đốc vườn quốc gia Ba Vì Đỗ Hữu Thế cho biết, khoảng 9 giờ sáng ngày 24/1, tuyết bắt đầu rơi nhiều nơi trên núi Ba Vì, đặc biệt là ở Đền Thượng. Nhiều bạn trẻ ở Hà Nội và các tỉnh lân cận đã đổ về Ba Vì ngắm tuyết. Tuy nhiên, tại đây không xảy ra hiện tượng tăng giá phòng, dịch vụ, vì người dân chỉ đi trong ngày, không sử dụng dịch vụ. |