Người dân đã hưởng lợi nhiều hơn
Nhìn về Đường Lâm thời điểm này, Trưởng ban Quản lý di tích Làng cổ Đường Lâm Phạm Hùng Sơn khá hào hứng: Trước đây, các công ty lữ hành dẫn khách đến Đường Lâm tham quan rồi đưa các “thượng đế” đi nơi khác ăn uống, nên người dân không được hưởng lợi.
Nhưng từ năm ngoái, nhiều hộ dân đã phục vụ khách lưu trú qua đêm, biết cách phục vụ cơm trưa hoặc tối với những đặc sản địa phương như gà mía, bánh tẻ, tương, rau sạch…; hoặc sản xuất các mặt hàng từ nông nghiệp như chè lam, kẹo vừng, bánh gai, bánh tẻ, tương, rượu, khoai lang… để du khách mua làm quà. Nhờ đó, nhiều hộ đạt doanh thu từ 10 - 40 triệu đồng/tháng. Đặc biệt, nhà ông Nguyễn Văn Hùng ký được hợp đồng với 21 công ty lữ hành nên thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng.
Du khách quốc tế tham quan làng cổ Đường Lâm. Ảnh: Hiền Nhân
|
Tuy nhiên, số hộ làm du lịch thành công như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Thế nên, Ban quản lý dự định thành lập Hiệp hội nhà cổ Đường Lâm để những nhà làm du lịch homestay hỗ trợ nhau phát triển. Mục tiêu mà thị xã Sơn Tây đặt ra trong năm 2016 là 45% hộ dân làng cổ sống bằng dịch vụ du lịch, nhưng hiện mới chỉ có chừng 5% số hộ sống bằng nghề này. Để đến đích đã đặt ra, từ năm 2013, dựa trên nguyên tắc người dân phải được hưởng lợi nhiều nhất, Ban quản lý đã tổ chức hàng loạt chương trình hỗ trợ người dân: Mời các hộ tham quan mô hình làm du lịch cộng đồng, homestay ở Bát Tràng, Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai)...; tập huấn cho người dân đón khách một cách chuyên nghiệp; tổ chức thi làm các sản phẩm bánh kẹo của địa phương; mở chợ quê vào những ngày lễ, hội; mời chuyên gia Nhật Bản sang dạy cách làm homestay, bánh kẹo…
“Thị xã Sơn Tây còn có chủ trương hỗ trợ cho mỗi hộ dân làm du lịch vay khoảng 1 tỷ đồng để phát triển dịch vụ như cải tạo nhà, tổ chức chăn nuôi, và sản xuất các sản phẩm du lịch. Các hộ dân hưởng ứng những chương trình này rất tích cực, nhưng do trình độ còn hạn chế, nên chưa thực sự nhập cuộc” - ông Sơn chia sẻ.
Nhưng… vẫn nghèo sản phẩm
Theo ông Sơn, hiện Đường Lâm thu hút từ 13 - 15 vạn lượt khách/năm, tổng thu du lịch nội địa khoảng 360 triệu đồng/năm. Trong đó, 6% doanh thu từ bán vé được tái đầu tư phục vụ du lịch của làng - số tiền này không thể đủ để xây dựng các sản phẩm mới. Năm ngoái, Sở VHTT&DL cấp cho làng 80 triệu đồng để bà con thành lập đội hát chèo. Đội chèo đã phục vụ nhiều đoàn khách, nhưng giá vé bán quá thấp nên đôi khi không đủ chi phí chứ chưa nói tới việc tái đầu tư xây dựng thêm các trò chơi dân gian, hay dịch vụ mới.
Thậm chí, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững tặng cho Đường Lâm sản phẩm “Mùa lúa chín”, dạy người dân cách làm, nhưng không bán được cho ai mà thậm chí còn lỗ tiền công, nguyên vật liệu… Vậy nên, Ban quản lý đang tích cực kêu gọi các DN đưa khách đến Đường Lâm để trải nghiệm. Đồng thời, tham gia tích cực vào các chương trình xúc tiến du lịch của Hiệp hội Du lịch Hà Nội với các tỉnh, TP trên cả nước để thu hút du khách. Về vấn đề này, Giám đốc Công ty Lữ hành Hanoitourist Lưu Đức Kế cho rằng, 10 năm qua, du lịch Đường Lâm đầu tư manh mún, vụn vặt, nên hiệu quả không cao. Các sản phẩm còn nghèo nàn, đặc sản cũng ít nên các hãng lữ hành chưa đưa được nhiều khách tới. Do vậy, tới đây, các công ty lữ hành phải cùng Ban quản lý và các hộ dân Đường Lâm xây dựng thêm nhiều sản phẩm đặc sắc thì người dân mới “sống khỏe” nhờ làm du lịch. Ông Kế cho rằng, Đường Lâm không nên đặt nặng vấn đề thu hút số lượng khách lớn, mà nên tăng cường các dịch vụ để phục vụ tốt cho du khách và tăng nguồn thu.
Để du lịch Đường Lâm phát triển bền vững, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết: Tới đây, Sở sẽ hỗ trợ Đường Lâm đào tạo nhân lực, đặc biệt là nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng. Sở sẽ phối hợp với UBND thị xã Sơn Tây tổ chức hội thảo về khai thác các giá trị phát triển du lịch làng Việt cổ…