Nếu các cơ quan có thẩm quyền không siết chặt hoạt động này, e rằng những vụ tai nạn thảm khốc sẽ còn tái diễn. "Tàu dù” lộng hành Ngay sau khi tàu du lịch Thảo Vân 2 số hiệu ĐNA - 0016 bị lật trên sông Hàn (Đà Nẵng), các cơ quan chức năng đã xác định được nguyên nhân là do chủ tàu không chấp hành các quy định về vận tải hành khách và chở quá số người quy định, chưa được cấp phép vận tải hành khách, khi xuất bến không trình báo với cảng vụ, chở khách chui… Ông Nguyễn Công Hoan – Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch HanoiRedtour cho rằng: “Tàu Thảo Vân 2 không khác gì "taxi, xe khách dù" của giao thông đường bộ. Mà đã là “xe dù”, “tàu dù” thì ngang nhiên lộng hành, đôi khi rất khó quản lý”.
Thực tế, ATGT đường thủy nội địa hiện nay đang bị xem nhẹ. Đáng lo ngại nhất là tình trạng một số tàu du lịch không trang bị đủ số lượng áo phao theo quy định. Bên cạnh đó, hệ thống cảnh báo tàu thuyền hạn chế, công tác quản lý bị buông lỏng, công tác sát hạch thuyền viên bị bỏ ngỏ… Nhiều chủ tàu hoặc lái tàu thờ ơ hoặc phớt lờ các quy định trên vì các lực lượng chức năng thường buông lỏng quản lý và chế tài xử phạt không đủ sức răn đe. Không chỉ thế, việc đầu tư cho phát triển du lịch đường thủy ở các tỉnh, TP cũng chưa xứng tầm. Chẳng nói đâu xa, ngay tại Hà Nội, 3 tàu du lịch chuyên chạy tuyến sông Hồng, sông Đuống của Xí nghiệp Đầu tư và Phát triển du lịch sông Hồng hiện phải đắp chiếu hoặc hoạt động chui vì không có nơi đón khách. Các phương tiện này neo đậu, đón trả khách trên sông Hồng tại vùng nước trước chùa Bồ Đề (phường Bồ Đề, quận Long Biên) vốn không phải là cảng, bến khách. Ông Nguyễn Chí Thành - Giám đốc Xí nghiệp tâm sự: “Chúng tôi đã kinh doanh vận chuyển du lịch bằng phương tiện thủy trên sông Hồng, sông Đuống được 14 năm.
Trước kia, Xí nghiệp thuê bến phà Chương Dương cũ để neo đậu tàu, đón trả khách, nhưng từ năm 2014 đến nay, khu vực này bị bồi lấp cạn, nên không được cấp phép nữa. Hiện, dọc sông Hồng, sông Đuống đoạn qua Hà Nội chưa có bến, cảng thủy hành khách nào. Nếu không hoạt động thì đời sống người lao động rất khó khăn. Khi có khách, buộc lòng chúng tôi vẫn phải chạy "chui", nhưng luôn nơm nớp lo sợ”. Ông Thành cho biết thêm, để nạo vét bến Chương Dương ước tính cần đến vài trăm tỷ đồng, đơn vị không đủ sức làm. Hiện, 3 tàu du lịch của Xí nghiệp chở được từ 40 – 150 khách, có giá trị 1 - 3 tỷ đồng, đáp ứng điều kiện về đăng kiểm, đăng ký, người lái, chỉ thiếu nơi đậu đỗ được cấp phép. Trung bình mỗi năm, đội tàu này đón 8.000 – 10.000 lượt khách du lịch, trong đó khoảng 10% là du khách nước ngoài. Siết chặt hoạt động giao thông đường thủy Chẳng riêng gì tàu du lịch của Hà Nội, mà ngay cả các tàu du lịch từ nơi khác đến sông Hồng cũng “mỏi mắt” tìm bến đỗ. Từ khoảng tháng 7/2015, tàu SG-6320 của Công ty CP Du lịch và Thương mại trải nghiệm châu Á được phép chở khách (chủ yếu người nước ngoài) từ Quảng Ninh về sông Hồng (Hà Nội), nhưng không tìm được bến neo đậu nên phải hủy chuyến. Rõ ràng điều này khiến tiềm năng du lịch, vận tải khách bằng đường thủy của Hà Nội kém xa so với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế… Theo số liệu thống kê, số người chết do TNGT đường thủy có chiều hướng gia tăng trong 2 năm gần đây: Năm 2014 tăng 14 người (31,1%), năm 2015 tăng 12 người (20,3%). Nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT đường thủy là do nhiều lái tàu không chấp hành quy định, phương tiện hết hạn đăng kiểm nhưng vẫn cho lưu hành, phương tiện ra vào bến không theo các thủ tục của cảng vụ, chạy không phép, chở quá tải… Để “bịt” được “lỗ hổng” trong việc quản lý chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, hậu kiểm cảng bến, kiểm định tàu thuyền…, theo Phó Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa Việt Nam Trần Văn Thọ: “Những trường hợp không tuân thủ quy định, gây tai nạn hoặc không tuân thủ quá trình kiểm tra phải bị thu hồi chứng chỉ. Nguyên tắc là khi phương tiện xuất bến từ một cảng nào sẽ phải làm thủ tục ở cảng đó để cảng vụ kiểm tra đăng ký đăng kiểm, chứng chỉ thuyền viên. Thực tế, khâu này cần phải siết chặt hơn nữa”. Bên cạnh đó, cần tăng cường sự phối hợp của các lực lượng chức năng địa phương trong việc kiểm soát, phát hiện, đình chỉ các cảng bến thủy nội địa trái phép. Bởi đa số tàu thuyền chở quá tải, không đảm bảo an toàn đều xuất từ các điểm này.
Ngọn lửa bùng cháy trong khoảng 40 phút đã thiêu rụi tàu QN 6299 trị giá khoảng 30 tỷ đồng vào trưa 6/5/2016 tại cảng Tuần Châu (2) |
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, cơ quan chức năng tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT du lịch đường thủy nội địa là việc làm thường xuyên của Tổng cục Du lịch. Trong thời gian tới, Tổng cục sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương và các cơ quan chức năng trong công tác quản lý vận tải đường thủy nội địa, vận chuyển khách du lịch theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan quản lý du lịch địa phương đặc biệt rút kinh nghiệm từ những bài học đã xảy ra ở Đà Nẵng, Hạ Long để tuân thủ một cách nghiêm ngặt các quy định của pháp luật về đảm bảo ATGT đường thủy nội địa, vận chuyển khách du lịch, đảm bảo an toàn tối đa cho khách. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng cứu nếu có sự cố xảy ra. Ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch. |
Doanh nghiệp lữ hành hiến kế bảo vệ du khách Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị sau những tai nạn của tàu du lịch đường thủy nội địa xảy ra gần đây, nhiều DN lữ hành đã chia sẻ kinh nghiệm và hiến kế để giữ an toàn cho du khách. Phó Tổng Giám đốc Công ty HanoiRedtour Nguyễn Công Hoan: Lựa chọn những hãng vận chuyển uy tín Để đảm bảo an toàn cho du khách, ở góc độ DN, HanoiRedtour luôn ký hợp đồng với các công ty lớn, lâu năm, có uy tín, có giấy phép, có thể xuất hóa đơn đàng hoàng. Trước giờ tàu khởi hành, người của Công ty sẽ kiểm tra cơ sở vật chất của tàu, đặc biệt là khả năng phòng chống cháy nổ, có đảm bảo mới đưa khách lên. Trong suốt hành trình, hướng dẫn viên của chúng tôi luôn kiểm soát tất cả các hoạt động, dịch vụ để đảm bảo đúng với hợp đồng đã ký. Đồng thời, nhắc nhở du khách tuân thủ các quy định của tàu như: cấm hút thuốc lá, mặc áo phao, giữ đúng vị trí để tránh mất cân bằng tàu… Sở dĩ hướng dẫn viên phải làm việc này là vì chủ tàu thường có tâm lý coi khách hàng là “thượng đế”, không cương quyết bắt khách phải mặc áo phao. Đối với du khách đi lẻ, để hạn chế rủi ro, trước khi lên tàu cần kiểm tra các điều kiện sau: số lượng hành khách tối đa được quy định, kiên quyết không đi tàu chở quá số người; kiểm tra tình trạng người lái tàu có đảm bảo sức khỏe không; độ mới của tàu; giấy đăng kiểm, vé, hóa đơn; áo phao và phao cứu sinh; lộ trình của tàu và thông tin bảo hiểm… để chủ động trong chuyến hành trình của mình. Phó Giám đốc Công ty Du lịch quốc tế ITC – travel Trịnh Thị Mỹ Nghệ: Đào tạo nguồn nhân lực vận tải du lịch đường thủy thật bài bản Tham gia vào các hoạt động khai thác tuyến du lịch đường thủy, ITC luôn chú trọng đến việc lựa chọn đối tác tin cậy, chuyên nghiệp. Tham gia khảo sát hầu hết các tuyến điểm du lịch đường thủy mỗi năm/lần để kịp thời điều chỉnh và đảm bảo tuyệt đối cho sự an toàn của du khách ITC khi tham gia vào các hoạt động tour trên sông, biển, hồ. Tôi cho rằng, để giảm thiểu tai nạn cho khách đường thủy, cần siết chặt và làm nghiêm khâu quản lý chất lượng tàu thuyền. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ đường thủy một cách bài bản, có chiều sâu và chuyên nghiệp. Việc người tham gia điều khiển phương tiện giao thông đường thủy phục vụ khách du lịch cần được quan tâm và hội tụ đủ các yếu tố theo quy định (trình độ hiểu biết, sức khỏe, nhận thức về pháp luật, thấm nhuần Luật ATGT). Mặt khác, cũng cần nâng cao khả năng quản lý của các cơ quan chức năng về con người, độ an toàn của các phương tiện khi lưu hành. Các chủ tàu cần trang bị, đảm bảo tất cả các điều kiện cần thiết trước khi xuất bến. Và điều quan trọng hơn cả là mỗi người khi tham gia giao thông cần chấp hành mọi quy định và phải có ý thức bảo vệ chính mình. Phó Giám đốc TransViet Travel Nguyễn Tiến Đạt: Du khách kiên quyết không sử dụng dịch vụ của tàu chở quá tải Thực tế chuyên chở hành khách tại Việt Nam bằng ô tô hay tàu vào dịp cao điểm hay bị tình trạng nhồi nhét khách để thu lợi. Tình trạng "tàu du lịch dù” cũng phổ biến hơn ở những dịp này. Vậy nên, các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm tra và xử phạt nặng đối với những trường hợp vi phạm. Khác với ô tô, tàu thủy, phà không nhất định phải có ghế, nên khó biết tải trọng thì cần quy định các tàu chở khách phải ghi rõ trên tàu thông tin tải trọng (hay tối đa bao nhiêu khách người lớn) có thể chở (giống như trong thang máy) ở nơi dễ nhận biết. Như vậy, hành khách và cơ quan chức năng dễ giám sát tình trạng chở quá tải. Theo tôi, du khách nên kiên quyết không sử dụng dịch vụ của những tàu chở quá tải. Cơ quan quản lý Nhà nước cần công bố đường dây nóng để người dân phản ánh các trường hợp vi phạm chở quá tải. Mặt khác, cần có quy định phải có hướng dẫn cho khách về các biện pháp an toàn và sử dụng phương tiện cứu hộ (giống như trên máy bay). |