Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Du lịch không thể “ăn xổi”

Hoàng Lan
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy tuần gần đây, tỉnh Hà Giang luôn được nhắc đến trong các vụ việc phá vỡ không gian di sản để kinh doanh du lịch. Đáng chú ý là sai phạm tại 2 dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú (xã Lũng Cú) và thang máy ngắm cảnh tại Đồn Cao (thị trấn Đồng Văn). Trước đó, tâm điểm của dư luận là công trình bê tông 7 tầng xây dựng ở vị trí đẹp nhất của Mã Pì Lèng. Những công trình này là minh chứng cho tư duy khai thác du lịch theo kiểu “ăn xổi”.

Công trường khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú. Ảnh: Mạnh Hưng.
Có rất nhiều lý do để các nhà đầu tư chọn thực hiện các dự án trên. Khi du lịch khoác nên mình màu tâm linh huyền bí, thì đỉnh Lũng Cú sẽ thu hút số lượng đông du khách đến để vừa thưởng ngoạn, vừa cầu may; thay vì đi du lịch theo kiểu khám phá một lần như trước đây. Bất chấp việc dự án này án ngữ vị trí đẹp ngay cạnh danh thắng địa đầu Tổ quốc (cách cột cờ Lũng Cú chưa đầy 500m). Bất chấp, công trình Phật giáo bề thế không ăn nhập gì với tín ngưỡng của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống tại đây.
Ngoài ra, trục thang máy đồ sộ cao cả trăm mét được bố trí áp sát Đồn Cao đưa du khách lên, thay cho con đường dốc ngược chỉ dành cho dân phượt cuốc bộ thì số lượng du khách đến với các điểm di sản này sẽ cứ vậy mà lũy tiến. Thêm nữa, công trình bê tông 7 tầng mang tên Panorama cũng không nằm ngoài lý do thu hút số đông. Nếu trước đây khách du lịch phải khổ sở tìm chỗ sinh hoạt cá nhân khi đến ngắm cảnh Mã Pì Lèng; thì từ khi có Panorama, điểm dừng chân đó phục vụ đủ cả ăn, ngủ, nghỉ.
Phát triển dịch vụ để thu hút khách du lịch, đó là bài toán hợp lý của ngành công nghiệp không khói. Nhưng không phải theo cách phát triển bằng mọi giá, ngay cả việc phá hỏng di sản. Bởi vì, Bộ VHTT&DL đã chỉ rõ hai công trình khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú và thang máy ngắm cảnh tại Đồn Cao đều “chạm” vào khu vực đã khoanh vùng bảo vệ của các di tích nằm trong quần thể Cao nguyên đá Đồng Văn – vốn từng được UNESCO vinh danh vào năm 2010, đồng thời đã được lập quy hoạch tổng thể để phát triển thành khu du lịch quốc gia. Chứ không phải phát triển theo kiểu manh mún, thấy lợi kinh tế thì làm, bất chấp phản đối của các chuyên gia văn hóa.
Đến chiều 29/10, UBND tỉnh Hà Giang đã tổ chức một cuộc họp để tiến hành rà soát, làm rõ mọi thủ tục pháp lý liên quan đến các công trình trên địa bàn có dấu hiệu sai phạm gây xôn xao dư luận vừa qua. Trong quá trình điều tra, hai công trình này sẽ bị tạm đình chỉ xây dựng. Dư luận có phần mừng cho quyết định này của UBND tỉnh Hà Giang, nhưng cũng có phần lo làm sao để cứu chữa di sản khỏi bị băm nát, khi mà khối bê tông sắt thép đang được dựng dang dở ở đó. Bài học về việc bê tông hóa di sản khó cứu chữa trong các vụ việc tại di sản Tràng An (Ninh Bình), Sapa (Lào Cai)… vẫn còn nguyên giá trị với Hà Giang hôm nay.
Nhiệm vụ của tỉnh Hà Giang bây giờ là thực hiện câu chuyện của chiến lược bền vững để bảo tồn tài nguyên du lịch, cũng như khả năng tạo dựng những dịch vụ cung ứng mang giá trị cao, thân thiện với thiên nhiên và môi trường. Nói cách khác, đó là câu chuyện phát triển về chất lượng, thay cho số lượng và mang lợi ích trước mắt, phá hỏng sự bền vững của di sản. Đó là các phương án làm du lịch dài hơi chứ không phải du lịch "ăn xổi" như cách nhiều công trình du lịch đang làm.