Năm 2012, Việt Nam đã đón hơn 6,8 triệu lượt khách quốc tế và 32,5 triệu lượt khách nội địa, tổng doanh thu đạt 160.000 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với năm trước. Như vậy, ngành Du lịch đã vượt mục tiêu đón 6,5 triệu lượt khách quốc tế như kế hoạch đề ra. Đây là những con số biết nói, đã cho thấy sự hấp dẫn của du lịch Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 7,2 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2013
(Ảnh: VL)
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam cho rằng, có được kết quả này, là nhờ cả yếu tố khách quan và chủ quan. Hiện nay, thế giới đang có sự chuyển dịch từ du lịch Châu Âu, Châu Mỹ sang Châu Á, đặc biệt là Châu Á - Thái Bình Dương và Việt Nam có thuận lợi là nằm ở trung tâm du lịch của khu vực này. Song song với đó, là sự nỗ lực của toàn ngành. Cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp lữ hành thì các doanh nghiệp lưu trú trong thời gian qua, mà cụ thể là trong năm 2012 đã tham gia rất nhiều vào việc xúc tiến hình ảnh điểm đến, thu hút nhiều khách du lịch đến Việt Nam. Trong năm 2012, Việt Nam tăng gần 500 cơ sở lưu trú, trong đó khoảng 60 cơ sở lưu trú từ 3 đến 5 sao, và tập trung nhiều ở khu vục biển miền Trung. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch, lưu trú cũng phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không mở các đường bay thẳng đến các điểm du lịch nên thu hút đông du khách tới với Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được đáng vui mừng thì ngành du lịch cũng phải nhìn nhận thực chất sự phát triển hiện nay trong mối tương quan với tiềm năng du lịch giàu có mà chúng ta đang sở hữu.
Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, hiện nay, kinh phí dành cho quảng bá du lịch Việt Nam ra thế giới còn hạn chế dẫn tới việc quảng bá chưa thật sự chuyên nghiệp, nên mới chỉ giới thiệu những gì chúng ta có, chứ chưa quảng bá được những điều du khách cần. Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, đó cũng chỉ là một khía cạnh. Hiện nay, tỷ lệ khách quốc tế quay trở lại Việt Nam lần thứ hai còn quá thấp, chỉ khoảng 18%. Chúng ta hãy đặt câu hỏi vì sao khách không quay lại? Vấn đề ở đây không nằm trong việc quảng bá thế nào mà ở chỗ du lịch của chúng ta trên thực tế có như chúng ta quảng bá không? Chúng ta làm du lịch đã chuyên nghiệp chưa? Đã thật sự đáp ứng nhu cầu của du khách chưa?
Ông Nguyễn Mạnh Cường cho rằng, năm mới 2013 đang mở ra với không ít khó khăn và thách thức. Song phát huy những thành quả đã đạt được trong những năm qua, ngành du lịch Việt Nam sẽ từng bước làm mới mình bằng cách thay đổi nhận thức, nâng cấp, đa dạng hóa sản phẩm để ngày càng hấp dẫn du khách, tăng tỷ lệ khách quay trở lại.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030 đã khẳng định du lịch là ngành mũi nhọn. Chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển ngành, nếu được triển khai thực hiện tốt chắc chắn mang lại vị thế mới cho ngành Du lịch. Tuy nhiên, bên cạnh một chiến lược phát triển tổng thể, có bài bản, quy mô thì chúng ta cũng phải chú ý đến những vấn đề rất cụ thể, tưởng nhỏ nhưng không nhỏ - ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh. Đó là những vấn đề về điều kiện vệ sinh, an toàn thực phẩm, sự chèo kéo, "chặt chém" khách…, trong thời gian tới phải có giải pháp tích cực và quyết liệt.
Năm 2013, du lịch Việt Nam sẽ tập trung xây dựng thương hiệu du lịch quốc gia, triển khai chương trình kích cầu du lịch, tăng cường các chương trình quảng bá, xúc tiến ở trong và ngoài nước, nâng cao chất lượng, sản phẩm du lịch, đầu tư nguồn nhân lực du lịch… đặc biệt tổ chức thành công Năm du lịch quốc gia Đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Định hướng du lịch theo hướng phát triển bền vững, tập trung vào nâng cao chất lượng phục vụ để phát triển du lịch, đem lại nguồn thu cho quốc gia, phát triển kinh tế địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo ra công ăn việc làm cho người lao động. Ngành du lịch Việt Nam đã đề ra mục tiêu đón 7,2 lượt triệu khách quốc tế trong năm 2013 này.