Và ta đang bị nhiều nước trong khu vực bỏ xa về số lượng, doanh thu từ khách quốc tế, cho dù tài nguyên du lịch phong phú hơn rất nhiều.
Giật mình
Thực hiện từ năm 2011, chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã đi được một phần tư chặng đường. Trong chặng đường ấy, Nhà nước đã quan tâm hơn đến việc đầu tư, hỗ trợ hạ tầng du lịch, tháo gỡ, tạo chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cải thiện thủ tục nhập cảnh… tạo điều kiện cho du lịch phát triển. Và sau 5 năm, du lịch Việt đã đạt những kết quả đáng khích lệ: Tốc độ tăng trưởng bình quân khách quốc tế đạt 5,7%/năm; khách nội địa đạt 16,3%/năm; Tổng thu từ du lịch bình quân đạt 25%/năm; Tốc độ tăng trưởng bình quân số buồng lưu trú đạt gần 16,0%/năm; Số lao động tăng trưởng bình quân 13,4%.
Từ năm 2011 đến nay, số lượng các dự án có vốn đầu tư lớn lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng tăng khá nhanh. Hiện cả nước có khoảng hơn 1.000 dự án du lịch như vậy. Có thể kể tới khu nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc (17.000 tỷ đồng), Vinpearl Quy Nhơn (4.500 tỷ đồng), cáp treo Phú Quốc (10.000 tỷ đồng); cáp treo Bà Nà (6.000 tỷ đồng), cáp treo Mường Hoa - Phan Xi Păng (4.500 tỷ đồng)... Những dự án lớn của các nhà đầu tư chiến lược đã góp phần hình thành nên những sản phẩm du lịch có thương hiệu mạnh, sức cạnh tranh cao và hấp dẫn du khách. Người làm du lịch vẫn đang tự hào vì điều đó.
Tuy nhiên, phân tích kỹ những con số cụ thể, Phó Tổng Giám đốc Grand Plaza Vũ Đình Tân đã khiến nhiều người giật mình. Ông “mổ xẻ”: “Từ năm 2011 đến nay, tuy số liệu thống kê lượng khách đến và doanh thu của ngành du lịch cho thấy năm sau cao hơn năm trước và có sự tăng trưởng. Nhưng tôi lại thấy đáng buồn trước những con số ấy. Bởi đúng là số khách quốc tế đến Việt Nam năm sau đều cao hơn năm trước: Năm 2011, chúng ta đạt 6 triệu khách, doanh thu 130.000 tỷ đồng; năm 2012 đạt 6,8 triệu khách, doanh thu 160.000 tỷ đồng; năm 2013, đạt 7,5 triệu khách và 200.000 tỷ đồng; năm 2014, đạt 7,9 triệu khách và 230.000 tỷ đồng; năm 2015, gần 8 triệu khách và 240.000 tỷ đồng. Nhưng nói về tốc độ tăng trưởng, chúng ta lại đang chậm dần đều. Năm 2011, so với năm 2010 tăng 19%, 2012 so với 2011 tăng 14%, 2013 so với 2012 tăng 11%, 2014 so với 2013 tăng 5% và 2015 so với 2014 tăng gần 3%”. Đó mới chỉ là kết quả mức tăng trưởng trong nước, còn theo Báo cáo du lịch thường niên năm 2014 do Dự án EU thực hiện, kết quả khách quốc tế đến nước ta so với các quốc gia trong khu vực cũng thật đáng suy ngẫm. Năm 2014, Việt Nam đạt 7,9 triệu khách, doanh thu 7,3 tỷ USD; Thái Lan đạt 24,8 triệu khách, doanh thu 38,4 tỷ USD; Singapore đạt 11,9 triệu khách, doanh thu 19,2 tỷ USD; Malaysia đạt 27,4 triệu khách, doanh thu 21,8 tỷ USD. Năm 2015, Việt Nam đạt gần 8 triệu khách, Thái Lan bỏ xa ta với 29,4 triệu khách. Trong khi, giới chuyên môn đánh giá, tài nguyên thiên nhiên, văn hóa có thể phục vụ du lịch của ta hơn hẳn “xứ sở chùa vàng”.
Cần thay đổi cách làm
Ông Vũ Đình Tân cho rằng: “Chúng ta đừng tôn vinh nhau mãi, ngành du lịch phải thay đổi cách làm tức thì, nếu không cứ con đường này, không biết sẽ còn tụt hậu đến đâu”. Và điều mà nhà quản lý khách sạn 5 sao này mong muốn là phải thay đổi cơ chế quản lý bằng việc “trả lại tên cho em”. Bởi du lịch đã được Chính phủ định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng khi ngành công nghiệp không khói có tính chất đa ngành, đa nghề, đa phương tiện, đa chiều… trực thuộc Bộ VHTT&DL, ngân sách hàng năm đã hạn hẹp, vị Tổng Cục trưởng lại không được đứng trong hàng ngũ lãnh đạo Bộ nên nhiều khi nói chẳng ai nghe. Minh chứng là Tổng cục Du lịch muốn tổ chức một “cuộc bàn tròn” với Bộ Công an nhằm đảm bảo an toàn cho du khách đến Việt Nam, nhưng từ tháng 10 năm ngoái đến nay chưa thực hiện được.
Mặt khác, nhiều chuyên gia cho rằng, du lịch sẽ là một ngành kinh tế mũi nhọn nhưng Việt Nam chưa có một trung tâm nghiên cứu nào xứng tầm và chưa có lấy một trường đại học du lịch. Thế nên, nhân lực du lịch của ta vừa thiếu, vừa yếu, nên các DN hầu như phải đào tạo lại nếu muốn sử dụng. Đặc biệt, nhân lực của ta không giỏi ngoại ngữ nên việc phục vụ các “thượng đế” nước ngoài cũng gặp nhiều hạn chế. Cũng chính vì chưa có trung tâm nghiên cứu xứng tầm nên xem ra, Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 cũng chưa được sát với thực tiễn. Đơn cử, mục tiêu đến năm 2020, ngành du lịch Việt Nam thu hút được 10 – 10,5 triệu khách quốc tế và phục vụ 48 triệu khách du lịch nội địa; tăng thu từ du lịch đạt 18 – 19 tỷ USD… là con số quá khiêm tốn. Đặt mục tiêu mà chắc chắn sẽ thực hiện được thì liệu có ý nghĩa?
Việt Nam đã gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN, Hiệp định thương mại TPP sắp có hiệu lực. Nếu chúng ta không thay đổi cách làm ngay lập tức, ngành công nghiệp không khói sẽ khó tránh khỏi cảnh “thua trên sân nhà”.
Du khách quốc tế tham quan khu phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
|
Tạo “cú hích” quảng bá du lịch Việt Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch sẽ tập trung vào một số thị trường trọng điểm. Thứ nhất là thị trường châu Âu. Thứ hai là thị trường Đông Bắc Á gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc vì đây là những nước trong thời gian qua, tỷ trọng khách đến Việt Nam rất cao (khoảng 50%). Thứ ba là những nước ASEAN và những nước trong khu vực, vì đó là thị trường tiềm năng và Việt Nam đang cùng với các nước trong khu vực bước vào Cộng đồng Kinh tế ASEAN. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tập trung vào những thị trường mới, những thị trường thu hút du khách tốt như Australia, Ấn Độ và một số thị trường Nga và những nước nói tiếng Nga. Trong chiến lược quảng bá, xúc tiến của du lịch Việt Nam, một trong những “mũi nhọn” mà Tổng cục Du lịch đang đầu tư là đẩy mạnh công tác truyền thông qua Internet (Internet Marketing hay còn gọi e - marketing). Những lợi ích của loại hình này mang lại là rút ngắn khoảng cách địa lý, tiếp thị quảng bá đến toàn cầu, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí… Mặt khác, chúng ta sẽ mời các đoàn famtrip, presstrip từ các thị trường nguồn đến khảo sát, tham quan, đưa tin về du lịch Việt Nam; tổ chức các đoàn famtrip, presstrip của Việt Nam ra nước ngoài để khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển du lịch. Tôi cho đó là giải pháp tốt cho xúc tiến quảng bá cho du lịch Việt Nam trong dài hạn. Mặt khác, việc miễn thị thực vừa qua đã giúp cho Việt Nam thu hút được nhiều du khách quốc tế đến với Việt Nam. Về diện mở rộng đề xuất miễn thị thực chúng tôi đang có đề án trình Chính phủ cho phép miễn thị thực cho khách du lịch không xét quốc tịch với những tour trọn gói để tạo điều kiện cho những DN lữ hành tổ chức tốt tour trọn gói có thể thu hút khách và chúng ta cũng quản lý tốt hơn lượng khách vào Việt Nam. Hy vọng rằng, với những “cú hích” này sẽ thu hút được lượng khách quốc tế lớn vào Việt Nam. Ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởngVụ Thị trường, Tổng cục Du lịch Việt Nam
Chung tay giảm giá tour Tại sao Thái Lan nghèo hơn Việt Nam về tài nguyên du lịch nhưng họ vượt ta đến gần 4 lần lượng khách quốc tế đến? Đó là vì giá tour của họ rất rẻ. Là người làm du lịch Thủ đô, tôi thấy chạnh lòng khi nhiều lần nghe khách TP Hồ Chí Minh bảo rằng, khám phá Hà Nội mất 10 triệu đồng, đi Thái Lan chỉ hơn 6 triệu đồng. Vậy thì chẳng tội gì đi Hà Nội. Khách Hà Nội cũng có tâm lý tương tự. Thế nên, dân Việt Nam đổ xô du lịch Thái Lan. Theo cách làm của người Thái, nếu công suất phòng của một khách sạn đạt 60% thì chỉ hòa, thậm chí lỗ vốn. Thế nhưng, nếu đạt 90 -100% công suất phòng thì chắc chắn sẽ có lãi, vì khách còn sử dụng các dịch vụ khác. Nếu mỗi năm, DN tôi bán được tour cho 100.000 khách, giá rất cao mới có lãi, nhưng khi bán được tour cho 100.000 khách, mỗi khách, chỉ cần lãi 1 USD thôi, là 1 năm đã có 100 ngàn USD bỏ túi. Vậy, tôi đề nghị, cộng đồng DN làm du lịch Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung hãy cùng bắt tay nhau để hạ giá tour thấp nhất có thể nhằm hút khách. Cùng với đó, tôi mạnh dạn đề nghị ngành du lịch phải làm ngay các chương trình: Ngày giảm giá, Tuần giảm giá, Tháng giảm giá (đặc biệt ưu tiên tour mùa thấp điểm), thành chủ đề và quảng bá rộng rãi để thu hút du khách trong nước và quốc tế. Tôi chắc rằng, với mỗi thị trường, nếu giá tour của Việt Nam rẻ hơn Thái Lan thì các “thượng đế” sẽ chọn chúng ta. Ông Trương Quốc Hùng - Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội
Đầu tư xây dựng sản phẩm Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên thiên nhiên, văn hóa có thể phục vụ du lịch cực kỳ phong phú. Chúng ta nên tập trung đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch thân thiện, an toàn, hấp dẫn, hiếu khách để thu hút khách quốc tế. Chúng ta cần xây dựng thêm các khu vui chơi, giải trí mang tầm khu vực và thế giới để đáp ứng nhu cầu và thu hút nhiều du khách tham gia vào các dịch vụ, tăng lợi nhuận du lịch. Bởi, so với doanh thu từ khách quốc tế của các nước trong khu vực, chúng ta vẫn thua xa, vì dịch vụ còn hạn chế. Đặc biệt, chúng ta phải có chiến dịch “làm sạch” môi trường du lịch. Phải quyết tâm xóa bỏ các tệ nạn như chèo kéo, ép giá, lừa đảo... thì mới mong khách quay trở lại nhiều lần. Ông Lê Hồng Hải - Giám đốc Công ty CP Du lịch và thương mại Dân chủ (Khách sạn De l’Opera Hanoi)
|