Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đủ niềm tin, dân sẽ góp vàng

Vân Thiêng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một trong những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô được Chính phủ xác định trong thời gian tới là “Nghiên cứu, có giải pháp phù hợp huy động nguồn vốn vàng, ngoại tệ nhàn rỗi trong dân để phục vụ đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong bối cảnh cần bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6,7% năm nay và những năm tới, các chuyên gia cho rằng, nếu nguồn vốn này được khai thông được sẽ mang lại giá trị rất lớn cho nền kinh tế. Vấn đề là cần một chính sách hợp lý để người dân cho Chính phủ vay vàng. 
Đến hết tháng 5, tăng trưởng tín dụng đạt 6,8%. Tuy nhiên, việc huy động vốn lại không mấy thuận lợi, ước tăng 4,3% so với cuối năm 2016. Nhất là trong quý I, không ít ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động hoặc phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao để thu hút dòng tiền trong dân. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, sang quý II, thanh khoản đã có phần cải thiện, tỷ lệ cho vay/huy động vốn trong cả hệ thống tín dụng trong tháng 5 ở mức khoảng 87%, giảm nhẹ so với tháng trước (88%). Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng của cả năm nay, nền kinh tế cần một nguồn tiền rất lớn.
 Ảnh minh họa
Lại nói về lượng vàng trong dân. Có thể chưa nói chính xác được là lượng vàng trong dân hiện nay là 400 tấn, hay 500 tấn. Nhưng nếu căn cứ vào con số do Hiệp hội Kinh doanh vàng Thế giới công bố dựa trên số liệu nhập vàng của Việt Nam thời gian qua thì có lẽ, lượng vàng này khoảng 500 tấn (13,3 triệu lượng), tương đương 20 tỉ USD. Đây quả là nguồn tài chính khá lớn cần cho nền kinh tế, trong bối cảnh việc huy động vốn của các ngân hàng đang gặp khó, 70% DN vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn tín dụng từ các ngân hàng.
Trên lý thuyết và cả trong thực tiễn, một trong những chức năng quan trọng của thị trường tài chính là tạo ra và duy trì dòng chảy không ngừng về nguồn vốn trong nền kinh tế thông qua việc kết nối giữa cung cầu vốn. Với lượng vàng đang được người dân cất giữ trị giá lên đến 20 tỉ USD, trong khi các doanh nghiệp đang khát vốn thì đó quả thực, đây là minh chứng rõ ràng nhất về sự thiếu năng động của thị trường tài chính Việt Nam.
Điều dễ nhận thấy là thị trường vàng 3 năm trở lại đây không có biến động lớn, tình trạng đầu cơ vàng giảm đáng kể. Giá vàng trong và ngoài nước không chênh lệch nhiều, thậm chí có thời điểm còn thấp hơn giá thế giới. Người dân mua vàng chủ yếu là tích trữ hoặc “lướt sóng” ngắn. Đối với ngoại tệ cũng vậy. Những biến động nóng như trước đây cũng đã hạ nhiệt. Với cách điều hành tỷ giá linh hoạt, kết hợp đồng bộ với các công cụ tiền tệ khác, nên từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD chỉ tăng bình quân khoảng 1,1 - 1,2%, thị trường ngoại hối trong nước ổn định nhiều so với mức độ biến động khá lớn của khu vực và thế giới. Việc dự trữ ngoại hối đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay. Vì thế, việc xem xét, tính toán chính sách phù hợp để huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ vàng, ngoại tệ vào nền kinh tế là rất cần thiết.
Thực ra chủ trương huy động vàng trong dân đã được Chính phủ đề ra từ lâu. Tuy nhiên, làm cách nào để người dân đem vàng ra cho Nhà nước vay là không dễ. Điều quan trọng lúc này là phải tạo cho được niềm tin đối với người giữ vàng. Họ sẽ được đảm bảo như thế nào về quyền lợi khi chuyển từ “cầm vàng thật” sang “cầm vàng giấy” (chứng chỉ vàng). Việc chọn cơ quan nào đứng ra huy động vàng là cốt lõi của vấn đề và sẽ do Chính phủ quyết định, nhưng chắc chắn là không thể giao cho các ngân hàng thương mại. Vì như vậy là gây nguy cơ cho chủ trương chống vàng hóa nền kinh tế. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu chứng chỉ vàng được Ngân hàng Nhà nước phát hành thì chắc chắn niềm tin sẽ cao hơn. Bởi người dân sẽ không lo rủi ro vỡ nợ, mất thanh khoản. Vấn đề ở đây là thông tin làm sao để người dân hiểu được lợi ích của việc cầm “vàng giấy” có tiền, có lãi suất thay vì cầm vàng thật mà không có lãi.
Chỉ cần thị trường minh bạch, dân tin vào chính sách của Nhà nước thì không ai lại hy sinh lợi ích cá nhân để giữ vàng, trong khi thị trường luôn sôi động và cái lợi lại chảy vào túi người khác. Xin đừng kể câu chuyện “Tuần lễ vàng” cách nay hơn 7 thập kỷ để trách dân sao không góp vàng xây dựng đất nước. Thay vào đó, phải đặt song hành 2 lợi ích. Trong đó, lợi ích của thị trường, của người dân là trên hết. Đó mới là giải pháp căn cơ để 20 tỉ USD trong dân được huy động ra, góp sức cho nền kinh tế phát triển bền vững.