Giải quyết bất cập hướng dẫn viên Vấn đề cấp thẻ cho hướng dẫn viên (HDV) và sử dụng HDV đang “nóng” trong giới chuyên môn. Theo ông Nguyễn Văn Mỹ - Trưởng ban HDV, Hiệp hội Lữ hành Việt Nam: “HDV vừa thiếu, vừa yếu” là câu cửa miệng khi nói về lực lượng này. Đó chính là một trong những cản trở, nên du lịch Việt lâu nay cứ ì ạch. “Để dẹp bỏ những cản trở này, ngành du lịch cần thay đổi tư duy về HDV để tác động tới Chính phủ, các ngành và người dân. Đồng thời, ban hành qui chuẩn chung về đào tạo HDV. Cũng nên ràng buộc giám đốc các công ty lữ hành phải có học vấn tương đương HDV trở lên. Đồng thời, giao việc cấp thẻ HDV cho Hiệp hội Lữ hành và các trường đào tạo, Nhà nước chỉ quản lý và giám sát, không “ôm” đủ thứ như hiện nay. HDV là nghề, nên thẻ HDV có thể bị thu hồi nếu vi phạm hoặc 5 năm không hành nghề; kiểm tra 5 năm một lần, để gia hạn, không cần cấp thẻ mới tốn kém” - ông Mỹ đưa ra giải pháp.
Theo khoản 2 Điều 49 Dự luật quy định nghĩa vụ của Công ty lữ hành: “Sử dụng HDV du lịch để hướng dẫn khách theo quy định tại khoản 1 Điều 61 của Luật này; chịu trách nhiệm về hoạt động của HDV trong thời gian hướng dẫn khách du lịch theo hợp đồng với DN”. Ông Nguyễn Công Hoan - Phó Tổng Giám đốc Hà Nội Redtours cho rằng, việc bắt buộc tất cả chương trình du lịch, các đoàn, nhóm khách đi du lịch đều phải có HDV là không cần thiết, không phù hợp với thực tế và yêu cầu của khách. Bởi hiện nay các loại hình du lịch khá đa dạng, bên cạnh các tour truyền thống còn có: Du lịch nghỉ dưỡng, trăng mật, mua sắm, kết hợp công việc, chữa bệnh… Với những dịch vụ đơn giản như vậy cùng khả năng hiểu biết của du khách ngày càng cao, không cần thiết phải có HDV suốt tuyến. Nếu yêu cầu có HDV như vậy chỉ tăng thêm chi phí tour mà du khách là người phải chịu, ngoài ra còn có thể tạo sự không thoải mái cho du khách. Bổ sung nghĩa vụ của du khách Bên cạnh các vấn đề liên quan đến HDV, Dự thảo Luật Du lịch (sửa đổi) còn nhiều “lỗ hổng” khác. Theo TS Trịnh Xuân Dũng - nguyên Hiệu trưởng trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội, tổ chức du lịch thế giới đã công bố, liên quan đến hoạt động du lịch có 70 dịch vụ trực tiếp và trên 70 dịch vụ gián tiếp phục vụ khách du lịch. Nhưng trong dự thảo Luật mới chỉ đề cập tới việc kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có điều kiện trong các cơ sở lưu trú. Vậy các dịch vụ và hàng hóa bên ngoài cơ sở dịch vụ lưu trú như nhà hàng, quán bar; các Casino sắp mở; hoặc việc cho thuê các phương tiện để khách du lịch tự lái (mô tô, ô tô…) cũng cần được quy định cụ thể. Mặt khác, việc kinh doanh du lịch có rất nhiều Luật chi phối, mà trước hết là Luật DN và Luật Đầu tư có hiệu lực từ năm 2015, nhưng trong Luật Du lịch sửa đổi lần này chưa được đưa vào. Về cơ quan thẩm định, xếp hạng cơ sở lưu trú, ông Nguyễn Quốc Thành - Phó Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đề nghị, ngoài Tổng cục Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch hoặc Sở VHTT&DL thẩm định, nên có thêm thành viên của Hiệp hội du lịch sở tại. Bởi các thành viên Hiệp hội chính là các DN cùng kinh doanh loại hình, nên sẽ có những nhìn nhận và đánh giá phù hợp, góp phần xếp hạng các cơ sở lưu trú du lịch xác đáng hơn. Thời gian thẩm định cơ sở lưu trú cần được thực hiện 2 năm một lần thay vì 5 năm để đảm bảo chất lượng dịch vụ. Ngoài ra, ông Nguyễn Quốc Thành cho rằng, tại Điều 15 - Nghĩa vụ của khách du lịch, cần quy định: “Du khách không được chia sẻ trên cộng đồng mạng những thông tin mang tính cảm quan; chưa được các cơ quan chức năng kiểm chứng thông tin về điểm đến du lịch, tổ chức, cá nhân kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch…”. Bởi thời gian qua, rất nhiều điểm, cơ sở kinh doanh du lịch “điêu đứng” với các loại tin đồn thất thiệt. Mặt khác, “du khách không được tham gia làm việc được trả công, kinh doanh dưới bất kỳ hình thức nào”. Bởi hiện nay, nhiều khách du lịch balô đến Việt Nam không phải là đi du lịch mà làm “chui” như dạy tiếng Anh, buôn bán kinh doanh… rất khó kiểm soát.
Khách du lịch tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |