Phản đối việc thành lập QuỹTrong khi nhiều DN sản xuất rượu, bia cho rằng, tiêu thụ rượu, bia ở mức trung bình và tăng trưởng thấp, đề nghị đổi tên gọi cho dự án Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia, thì đại diện Bộ Y tế cho rằng, mức tiêu thụ rượu, bia của Việt Nam hiện ở mức cao.
|
CSGT Công an TP Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn người tham gia giao thông. Ảnh: Công Hùng |
Ông Nguyễn Huy Quang - Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, với tỉ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam là 77% nam, 11% nữ (thế giới là 48%/29%) nên con số trung bình tỉ lệ uống rượu, bia ở Việt Nam theo giới rất cao, nam giới uống rượu nhiều gấp hơn 7 lần nữ giới. "Nếu tính riêng trong số nam giới trên 15 tuổi có sử dụng rượu, bia, thì một người nam của Việt Nam tiêu thụ trung bình tới 27,4 lít cồn nguyên chất" - ông Quang phân tích. Chủ tịch Hiệp hội Rượu - bia - nước giải khát Việt Nam Nguyễn Văn Việt cho rằng, con số này không cao hơn nhiều mức bình quân thế giới và ở trong ngưỡng không đáng lo ngại, thậm chí còn ở mức tiêu dùng trung bình và tăng trưởng thấp. Tuy nhiên, Bộ Y tế khẳng định, rượu, bia đang để lại nhiều hệ lụy về sức khỏe, vì vậy cần thành lập Quỹ nâng cao sức khỏe nằm ở Điều 19 Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu, bia. Nguồn kinh phí từ Quỹ sẽ đóng góp khoảng 360 tỷ đồng từ khoản đóng góp bắt buộc của các DN sản xuất và nhập khẩu rượu, bia cho các hoạt động phòng chống tác hại của bia, rượu, thuốc lá.
Một số DN khác phản đối và cho rằng, các DN sản xuất rượu, bia đang gặp rất nhiều khó khăn như giá nguyên liệu tăng, môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt và phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt là 65%. Chính phủ cũng đã có chủ trương giảm thiểu khó khăn cho DN, trong đó có nội dung về giảm chi phí kinh doanh cho DN. Do đó, việc quy định DN phải đóng góp thêm 1 - 2% trên giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt vào Quỹ nâng cao sức khỏe Nhân dân là không phù hợp với Nghị quyết của Chính phủ và sẽ làm cho DN đã khó càng khó hơn.
Tuy nhiên, về vấn đề này, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, các DN rượu bia hiện đang kinh doanh có lãi. Chẳng hạn như Sabeco, lợi nhuận sau thuế năm 2017 là 4,562 tỉ đồng; Habeco lãi 658 tỉ đồng, còn Chủ tịch Heniken Châu Á& Thái Bình Dương Frans Eusman cho biết, hãng đang đổ tiền vào Việt Nam - thị trường có khả năng sinh lãi lớn thứ 2 cho họ, chỉ sau Mexico.
Kiến nghị bỏ quy định cấm bán theo giờNgoài nội dung thành lập Quỹ, đại diện EuroCham cho rằng, việc cấm quảng cáo bia, rượu không có tác dụng làm giảm thiểu hành vi lạm dụng đồ uống có cồn tại Việt Nam mà sẽ dẫn tới những thiệt hại đáng kể cho phát triển du lịch, kinh tế, xã hội của Việt Nam, không nhất quán với chủ trương của Bộ Chính trị về việc phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Đại diện Công ty Carlsberg Việt Nam cũng lên tiếng, nên bỏ phương án bán rượu, bia theo giờ bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch và các ngành phụ trợ như khách sạn, nhà hàng, quán bar... Việc cấm này cũng khiến người tiêu dùng có xu hương uống nhiều hơn hoặc thiếu trách nhiệm trước giờ cấm. Bên cạnh đó, đại diện EuroCham kiến nghị Bộ Y tế nên bỏ quy định cấm giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức bởi đây là vi phạm quyền của người tiêu dùng được cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm trước khi mua được quy định trong Luật Thương mại và bảo vệ người tiêu dùng.
Nhưng Bộ Y tế khẳng định, dự thảo Luật Phòng, chống tác hại rượu bia có liên quan rất nhiều đến Luật các chuyên ngành khác. Mặc dù các luật khác có quy định liên quan đến tác hại của rượu bia nên các quy định này cần được điều chỉnh để thống nhất. Cũng theo ông Quang, Dự thảo Luật này đã được họp lấy ý kiến rất nhiều lần và dự kiến sẽ trình Quốc hội vào kỳ họp thứ năm diễn ra vào tháng 10/2018.