Tôn vinh văn hóa truyền thống
Với gần 300 gian hàng, Hội Xuân Hà Nội 2015 có nhiều hoạt động tôn vinh truyền thống văn hóa, các phố nghề, làng nghề như: Giới thiệu lễ hội truyền thống (hội Gióng, chùa Hương, Cổ Loa…) và các trò chơi dân gian (kéo co, đi cà kheo, nặn tò he…); trưng bày sản phẩm làng nghề lụa Vạn Phúc, gốm Bát Tràng, mây tre đan Phú Vinh; giới thiệu ô mai Hàng Đường, bánh cốm Hàng Than, bánh tôm Hồ Tây, giò chả Ước Lễ, chả cá Lã Vọng… Điểm nhấn của Hội Xuân là các gian hàng cung cấp các sản phẩm thiết yếu phục vụ Tết cổ truyền, giới thiệu các điểm du lịch hấp dẫn của Hà Nội và cả nước dưới góc độ văn hóa.
Đến với Hội Xuân, du khách sẽ được thỏa sức tìm hiểu tinh hoa các làng nghề truyền thống của Hà Nội và một số địa phương tại “Khu làng nghề”. Nhiều người lại thích thú khi được thưởng thức những món ăn đặc sắc tại “Khu ẩm thực”. Trong khi đó, không ít du khách bị hút hồn bởi hàng trăm loài hoa, cây cảnh quý hiếm tại “Khu hoa, cây cảnh”. Còn các DN du lịch được dịp quảng bá thương hiệu, giới thiệu các sản phẩm đặc sắc cho mùa du lịch Tết Nguyên đán Ất Mùi.
Ngoài ra, Hội Xuân còn có những hoạt động bên lề bổ ích như thi nấu bánh chưng, dạy nặn tò he, tham gia các công đoạn làm sản phẩm. Và các chương trình biểu diễn nghệ thuật như: Xiếc, ca nhạc, võ thuật cổ truyền, thể dục nghệ thuật, dance sport, biểu diễn ca trù, hề… diễn ra hàng ngày. Bà Lê Thị Ngọc (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Năm ngoái, tôi đã sắm Tết ở Hội Xuân 2014. Đây thực sự là điểm bán hàng Tết đáng tin cậy, điểm sinh hoạt văn hóa, du xuân lành mạnh, lý tưởng cho người dân Thủ đô và du khách. Vậy nên, năm nay, tôi đã tư vấn cho rất nhiều người thân, bạn bè đến đây tham quan, mua sắm”.
Cơ hội quảng bá thương hiệu
Lãnh đạo Sở VHTT&DL Hà Nội cho biết, năm 2014, Hội Xuân Hà Nội đã rất thành công, góp phần quảng bá thương hiệu của các làng nghề đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Kế thừa những kết quả đó, Hội Xuân năm nay tiếp tục tạo cơ hội cho du khách nâng cao hiểu biết về các giá trị, tinh hoa văn hóa làng nghề và du lịch làng nghề thủ công truyền thống của Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Đồng thời, giúp các DN khách sạn, cơ sở ăn uống, dịch vụ của Hà Nội giới thiệu tinh hoa ẩm thực, nét đẹp trong chế biến, trình diễn các món ăn truyền thống của Hà Nội.
Đặc biệt, hiện nay, Hà Nội sở hữu 49/52 loại hình nghề truyền thống, trong đó, nhiều làng nghề được đánh giá có tiềm năng để phát triển du lịch như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nón làng Chuông, khảm trai Chuôn Ngọ, tạc tượng Sơn Đồng, dát vàng bạc quỳ Kiêu Kỵ… Những năm qua, Hà Nội hỗ trợ kinh phí cho 13 làng nghề nâng cấp cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch, cải thiện cảnh quan môi trường, đào tạo thuyết minh viên, xúc tiến quảng bá hình ảnh làng nghề đến thị trường trong và ngoài nước... để phát triển du lịch tại đây. Cùng với đó, việc tổ chức thường niên Liên hoan Du lịch làng nghề truyền thống Hà Nội và Hội Xuân Hà Nội sẽ mở ra nhiều cơ hội để du lịch làng nghề phát triển hơn nữa.
Giám đốc Sở VHTT&DL Hà Nội Tô Văn Động tin tưởng: “Hội Xuân Hà Nội 2015 không chỉ góp phần tôn vinh những nét đẹp văn hóa truyền thống của địa phương, mà còn làm giàu thêm giá trị đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần cho cộng đồng dân cư cũng như du khách tới tham quan, mua sắm”.
Du khách tham quan, mua sắm tại Hội Xuân Hà Nội 2015. Ảnh: Hồ Hạ
|