"Phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam" – Ngân hàng Nhà nước nhiều lần khẳng định không coi Bitcoin và các loại tiền điện tử là phương tiện thanh toán. Các quy định của Nghị định 101/2012/NĐ-CP cũng cấm sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp tại Việt Nam. Từ ngày 1/1/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung.
|
Cần có những quy định, chế tài để quản lý chặt hoạt động giao dịch tiền ảo. Ảnh: Chiến Công |
Thế nhưng, ở khía cạnh khác, theo giới luật sư, nếu xem Bitcoin như một loại hàng hóa có thể quy đổi ra các giá trị, thì một giao dịch mang tính chất dân sự, kinh tế của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thỏa thuận về sự trao đổi cho nhau thì lại là chuyện khác. Việt Nam vẫn hướng đến việc cho phép Nhân dân làm những điều luật không cấm, tương tự trong Bitcoin chỉ cấm về hoạt động thanh toán còn giao dịch, mua bán mang ý nghĩa là hàng hóa với hàng hóa thì đang bị lúng túng trong khâu quản lý.
Trên các diễn đàn về Bitcoin, giới đầu tư chia sẻ cho nhau, những quy định hiện nay không cấm hoạt động mua, tích trữ, đầu tư. Dân “ôm" Bitcoin bảo nhau, tuyệt đối không dùng Bitcoin thanh toán bất cứ hàng hóa, dịch vụ gì, không nhận tiền mặt từ nhà đầu tư khi giao dịch Bitcoin. “Chúng tôi chỉ trao đổi Bitcoin như một loại hàng hóa”, “Tôi có thể dùng Bitcoin để đổi lấy một chiếc xe máy. Nếu nói mua là bất hợp pháp nhưng đổi xe máy lại là hợp pháp”- một nhà đầu tư nói.
Thực tế hiện nay, do lượng người quan tâm đến Bitcoin và các loại tiền điện tử khác ngày càng nhiều nên giá tăng rất nhanh, biến động với biên độ lớn và thu hút nhiều người tham gia thử vận may trong cơn sốt này. Song, đây cũng là mảnh đất màu mỡ để các tổ chức và cá nhân hình thành các hoạt động lừa đảo biến tướng. Vì vậy, quản lý tiền ảo là một vấn đề cấp thiết để kiểm soát các hoạt động phạm tội, giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia.
Có nên xem là hàng hóa để quản lý, thu thuế?Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay người giao dịch tiền điện tử thực hiện trực tiếp qua sàn quốc tế, trong nước không có dịch vụ và khung pháp lý quản lý. Nếu tình trạng này kéo dài thì càng trở nên lộn xộn và nảy sinh nhiều vấn đề, trong khi Nhà nước cũng không có cơ sở để thu thuế, dẫn đến thất thu.
Trong cuộc hội thảo “Cơ hội đầu tư – kinh doanh 2018” vừa diễn ra, nhiều ý kiến cho rằng, nên xem tiền ảo như tài sản, hàng hóa để có cách quản lý và thu thuế. Song theo ông Trương Văn Phước – Quyền chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, thay vì chỉ cấm dùng Bitcoin để thanh toán, lúc này Chính phủ nên tạm cấm cả việc mua bán Bitcoin. “Khuyến nghị này không phải thể hiện sự quay lưng với hội nhập, với xu thế phát triển của công nghệ mà là vì điều kiện đặc thù của Việt Nam hiện nay, chúng ta cần hết sức thận trọng khi đón nhận nó” - ông Phước cảnh báo.
Ông Phước chia sẻ thêm, ở những nước phát triển, có trình độ cao, Chính phủ thông qua các cơ quan quản lý chỉ cần đưa ra lời khuyến cáo, từ đó, công dân của họ đủ thông tin, kiến thức để tự mình đưa ra quyết định nắm giữ hay không, mua hay bán đồng Bitcoin đó. Thế nhưng với Việt Nam, hệ thống pháp luật thực sự chưa hoàn chỉnh, trình độ hiểu biết cả về công nghệ lẫn tài chính của người dân cũng còn nhiều hạn chế. Việt Nam đang mong muốn một nền tài chính ổn định, do đó phải cực kỳ thận trọng.