Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa đặc sản Lâm Đồng đến với thị trường Hà Nội

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sẽ tạo mọi điều kiện cho các DN tỉnh Lâm Đồng tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi các DN Lâm Đồng phải đẩy mạnh liên kết vùng miền.

Đó là ý kiến của ông Nguyễn Gia Phương - Giám đốc Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HITTPC) và các DN Hà Nội tại Hội nghị xúc tiến đầu tư, kết nối thương mại và du lịch tỉnh Lâm Đồng, được tổ chức tại Hà Nội (ngày 30/10).

Nhiều tiềm năng

Thông tin từ Trung tâm xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh Lâm Đồng cho thấy, Lâm Đồng là địa phương có vùng chuyên canh cà phê lớn với diện tích trên 150.000ha, sản lượng gần 400.000 tấn/năm; Vùng chuyên canh chè với diện tích trên 22.000ha, sản lượng 223.000 tấn/năm. Sản phẩm trà của Lâm Đồng rất đa dạng, phong phú như Trà xanh, Trà đen, Trà ô long...
Doanh nghiệp Lâm Đồng giới thiệu sản phẩm tới doanh nghiệp Hà Nội tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Doanh nghiệp Lâm Đồng giới thiệu sản phẩm tới doanh nghiệp Hà Nội tại hội nghị. Ảnh: Hoài Nam
Ngoài ra, Lâm Đồng còn có các sản phẩm trà dược liệu, như trà: Atiso, trà gừng. Hiện nhiều thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Lâm Đồng đã và đang được người tiêu dùng trong và ngoài nước biết đến, như: rau - hoa, chuối Laba, trà B’Lao, cà phê Di Linh… Tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Yên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng và các DN mong muốn DN Hà Nội đầu tư vào một số dự án lớn về nông nghiệp, du lịch, tiêu thụ sản phẩm. Ông Phạm Hồng Đức - Giám đốc Công ty Cà phê Thái Châu cho biết: Cà phê là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Lâm Đồng, mới đây cà phê Arabica Cầu Đất đã được Tập đoàn Starbucks đưa vào hệ thống bán lẻ trên toàn cầu. Tuy nhiên, tại khu vực phía Bắc, việc tiêu thụ cà phê mang thương hiệu Thái Châu gặp nhiều khó khăn, chưa xây dựng được hệ thống đại lý bán lẻ. Vì vậy thông qua hội nghị này, DN mong muốn tìm kiếm được đối tác tiêu thụ sản phẩm lâu dài và ổn định. Đồng tình với ý kiến này, bà Hoàng Ngọc Đăng Vi - Giám đốc marketing Công ty CP Dược Lâm Đồng nêu rõ, hiện sản phẩm cao, trà atiso của DN đã có mặt ở hầu hết các nhà thuốc, nhưng phần lớn người tiêu dùng không biết đến tên đơn vị sản xuất. Vì vậy, DN mong muốn HITTPC và DN Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm, phương thức quảng bá thương hiệu, qua đó có thêm cơ hội tiêu thụ sản phẩm.

Thiếu liên kết vùng miền

Mặc dù các DN Lâm Đồng đang sản xuất nhiều mặt hàng tiêu dùng phù hợp với nhu cầu của người dân nhưng do chưa chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu sản phẩm, thiếu liên kết trong việc tiêu thụ hàng hóa nên giá trị thu được chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh. Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội, trong bối cảnh hội nhập kinh tế đang ngày càng sâu rộng, việc liên kết vùng để phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có vai trò rất quan trọng. Nhưng thời gian qua, việc liên kết giữa các địa phương trong phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm vẫn lỏng lẻo. Có tình trạng này là do chính quyền chưa xác định rõ DN đang cần hỗ trợ cái gì, cần liên kết với ai, địa phương nào để có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện. “Vừa qua, tỉnh Hải Dương, Bắc Giang đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết với Hà Nội trong việc tiêu thụ vải thiều nên doanh thu mặt hàng này đã tăng 150 tỷ đồng so với năm trước dù sản lượng không tăng”  - bà Lan nêu ví dụ. Ông Nguyễn Tiến Vượng - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cũng kiến nghị: Hiện, Hapro đang tiêu thụ một số sản phẩm của tỉnh Lâm Đồng như trà ô long, rượu vang Đà Lạt, rau củ… tuy nhiên, hoạt động này là do DN tự khai thác, không phải là việc liên kết tiêu thụ sản phẩm giữa Hapro với DN Lâm Đồng. “Trong thời gian tới, DN tỉnh Lâm Đồng liên kết với DN Hà Nội trong việc tiêu thụ một số sản phẩm thế mạnh của Hà Nội như may mặc, hàng tiêu dùng… Ngược lại, DN Hà Nội sẵn sàng giúp DN Lâm Đồng đưa các sản phẩm rau, củ, quả, thủy hải sản về tiêu thụ tại Thủ đô” - ông Vượng đề nghị.

Đồng tình với những ý kiến này, ông Nguyễn Gia Phương nêu rõ: Việc xây dựng và hình thành mối liên kết vùng miền trong hoạt động xúc tiến thương mại sẽ có tác dụng hỗ trợ DN quảng bá sản phẩm ưu thế chủ lực, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm. Trong thời gian tới, HITTPC sẽ tạo điều kiện cho DN Lâm Đồng đầu tư, mở đại lý bán hàng, đặt văn phòng đại diện, tham gia hội chợ, trưng bày sản phẩm tại Phòng trưng bày và giới thiệu sản phẩm của Hà Nội. TP Hà Nội sẵn sàng tạo mọi điều kiện để DN Lâm Đồng tham gia “Chương trình quảng bá thương hiệu đặc sản vùng, miền tại Hà Nội” được tổ chức hàng năm, qua đó thực hiện việc kết nối cung - cầu, tạo sự liên kết vững chắc giữa “Nhà sản xuất - Nhà phân phối - Người tiêu dùng”. Ngoài ra, đây cũng là dịp tổ chức các hoạt động giao thương giữa DN Hà Nội với Lâm Đồng, đẩy mạnh việc tìm đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ của DN 2 địa phương.