Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam đã nhấn mạnh như trên tại Hội nghị tổng kết Chương trình Khoa học và công nghệ (KHCN) phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM), do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều 3/10.
Hoàn thiện lý luận - thực tiễn, cơ chế, chính sách
Để thúc đẩy thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM. Chương trình được triển khai liên tục, có tính kế thừa qua hai giai đoạn: Giai đoạn I (2011 - 2015, kéo dài đến 2017) thực hiện theo Quyết định 27/QĐ-TTg ngày 5/1/2012; Giai đoạn II (2016 - 2020, kéo dài đến 6/2022), thực hiện theo Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 12/1/2017.
GS.TS Trần Tuấn Anh - Chủ nhiệm Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020, cho biết kế thừa giai đoạn I, Chương trình giai đoạn II tiếp tục có nhiều đóng góp tích cực vào hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn cho phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, trong đó tiêu biểu là kinh nghiệm và các bài học của thế giới về xây dựng NTM; luận cứ điều chỉnh các tiêu chí NTM; các yếu tố bền vững trong xây dựng NTM; quản lý xã hội nông thôn hiện đại; phát huy động lực văn hóa, di sản dân tộc…
Tác động chính từ những đóng góp trên là nâng cao nhận thức cho người dân và cán bộ xây dựng NTM các cấp về cách tiếp cận mới trong phát triển nông thôn nước ta; phát huy vai trò của các chủ thể và những yếu tố cơ bản của mô hình NTM bền vững ở Việt Nam; phương thức huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM không có điểm dừng; con đường nâng cao chất lượng NTM gắn với tính thiết thực, sự hài lòng và mức độ hạnh phúc của người dân...
Những đóng góp tiêu biểu về lĩnh vực này của Chương trình là góp phần hoàn thiện hệ thống thể chế phát triển nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách và giải pháp phát huy vai trò người dân, cộng đồng, các tổ chức chính trị, xã hội; chính sách và giải pháp thúc đẩy cơ cấu lại ngành, phát triển nông nghiệp hiện đại, sinh thái và bền vững; chính sách và giải pháp thúc đẩy khu vực chuyển đổi khó khăn nhất là kinh tế tập thể, hợp tác xã, liên kết chuỗi giá trị, kinh tế phi nông nghiệp, lao động nông nghiệp ở nông thôn…
Theo GS.TS Trần Tuấn Anh, các kết quả nghiên cứu của Chương trình đã có những tác động cụ thể đến việc huy động và sử dụng nguồn lực cho xây dựng NTM; nâng cao đời sống văn hóa, xã hội nông thôn; quy hoạch cảnh quan, sử dụng tài nguyên, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường NTM; ứng dụng khoa học công nghệ vào xây dựng NTM; phát triển cơ giới hóa nông nghiệp; phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý, sử dụng hiệu quả, bền vững cơ sở hạ tầng NTM...
Thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngành, tăng trưởng nông nghiệp
Cùng với hoàn thiện lý luận - thực tiễn, cơ chế, chính sách nói trên, Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM đã đề xuất được các giải pháp KHCN tổng hợp, đặc thù, phục vụ tái cơ cấu ngành, thúc đẩy tăng trưởng nông nghiệp. Thông qua việc hoàn thiện, chuyển giao vào sản xuất các quy trình kỹ thuật, giải pháp công nghệ, cung cấp trang thiết bị trong các mô hình có hiệu quả cao, Chương trình đã tác động trực tiếp đến các yếu tố thúc đẩy tái cơ cấu ngành ngành và tăng trưởng nông nghiệp.
Tiêu biểu trong đó là cải thiện năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi; chuyển đổi cơ cấu sản xuất, cải thiện hiệu quả kinh tế và thu nhập của người dân; thay đổi sử dụng vật tư, nguyên liệu đầu vào theo hướng an toàn, tiết kiệm; chuyển đổi các hình thức tổ chức, liên kết sản xuất; và khả năng tiếp nhận và nhân rộng hiệu quả các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ.
Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM giai đoạn II (2016 - 2020) đã tích cực huy động được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp cùng với vốn đầu tư vào triển khai các đề tài, dự án. Trong tổng số kinh phí thực hiện Chương trình giai đoạn II là 585,76 tỷ đồng, thì kinh phí đối ứng ngoài Nhà nước là 236,54 tỷ đồng, chiếm 40,4%. Phần ngân sách Nhà nước cấp là 379 tỷ đồng, trong đó để thực hiện các đề tài, dự án là trên 324,3 tỷ đồng, cắt giảm theo quy định là 29,8 tỷ đồng.
Chương trình đã tạo ra nhiều sản phẩm khoa học thiết thực, nhiều mô hình chuyển giao và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp có tính lan tỏa cao. Với 97 quy trình sản xuất và công nghệ mới được chuyển giao, 208 mô hình trình diễn có hiệu quả cùng hàng nghìn trang thiết bị hỗ trợ của các dự án, Chương trình đã góp phần cải thiện năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất, hình thành các vùng sản xuất hàng hoá tập trung...
Điển hình là trong lĩnh vực trồng trọt đã giúp tăng năng suất cây trồng 30 - 35% đối với rau màu, 10 - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, một số giống cho năng suất và chất lượng tốt được đưa vào sử dụng. Các giống lợn lai có khả năng thích nghi tốt, cho năng suất, chất lượng cao. Một số giống bò thịt lai 1⁄2 hoặc 3⁄4 máu ngoại giúp tăng năng suất và hiệu quả. Ứng dụng rộng rãi các giống gà thả vườn, gà đồi, nuôi vịt siêu trứng, vịt siêu thịt, ngan pháp...
Ưu tiên thực hiện các đề tài ở vùng khó khăn
Bên cạnh các kết quả đạt được, Chương trình giai đoạn II còn những hạn chế cả về lượng và chất của các đề tài, dự án, cũng như trong cơ chế hoạt động. Với số lượng hạn chế của các đề tài, dự án, Chương trình chưa đáp ứng được toàn bộ các nhu cầu của thực tế xây dựng NTM vốn rất rộng và toàn diện, ngày càng chuyên sâu, đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ và tổng hợp của hầu hết mọi lĩnh vực phát triển nông thôn. Nội dung một số đề tài, dự án còn tản mạn, chưa tập trung đủ mức cho các trọng tâm cấp bách xây dựng NTM.
Đối với nhiệm vụ Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM từ nay đến năm 2025, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết các đề tài, dự án triển khai sẽ thực hiện bám sát chủ trương, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn tại Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII và các Nghị quyết về phát triển kinh tế vùng của Bộ Chính trị... theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”; các nội dung, nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 923/QĐ- TTg..., góp phần thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM và 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giai đoạn 2021-2025, theo hướng phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hoá, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, vì lợi ích của người dân.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ sở lý luận và thực tiễn để đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM; đề xuất được các giải pháp KHCN nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống; bảo vệ môi trường và cảnh quan nông thôn; thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới…
“Các đề tài, dự án thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ được triển khai xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, trực tiếp giải quyết những vấn đề cấp thiết gắn với tính đặc thù và phù hợp với điều kiện của các địa phương và huy động được sự tham gia của các bộ, ngành Trung ương để giúp các địa phương; phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng, người dân tham gia thực hiện...” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Bộ NN&PTNT cũng sẽ chú trọng triển khai các mô hình, dự án có tính mới, khả năng ứng dụng và tính lan tỏa cao trong thực tiễn; phù hợp để phát triển và nhân rộng; ưu tiên các mô hình, dự án ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, thân thiện với môi trường... Đặc biệt là ưu tiên thực hiện các đề tài, dự án tại các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh và quốc phòng.
Liên quan đến nguồn vốn, Bộ NN&PTNT cho biết sẽ huy động hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để thực hiện đề tài, dự án thuộc Chương trình KHCN phục vụ xây dựng NTM theo hướng vốn ngân sách Trung ương đóng vai trò “vốn mồi”; tăng cường hợp tác, huy động sự tham gia của các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, nguồn vốn xã hội hóa. Nghiên cứu, đề xuất giải pháp lồng ghép các chương trình KHCN có liên quan để tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các nội dung của Chương trình trên cùng địa bàn và đảm bảo tránh trùng lặp, chồng chéo về nội dung, đối tượng thực hiện, nhất là tránh trùng lặp với những nhiệm vụ thuộc Chương trình đã được triển khai trong giai đoạn trước...