Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái phép: Hành vi nguy hiểm cần nghiêm trị

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên tiếp trong những ngày qua, cơ quan công an các tỉnh, TP đã phát hiện, bắt giữ được những kẻ cầm đầu đường dây đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái phép. Trong thời gian này, đây là hành vi nguy hiểm khi gây nguy cơ lây lan dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng.

 Một nhóm đối tượng nhập cảnh trái phép bị bắt giữ.

Nhiều vụ nhập cảnh trái phép
Vừa qua, Công an TP Đà Nẵng phối hợp với Công an tỉnh Quảng Nam đã bắt giữ đối tượng được cho là cầm đầu đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam. Danh tính người này Cao Lượng Cố (42 tuổi, quốc tịch Trung Quốc). Cố bị lực lượng công an bắt giữ đêm 25, rạng sáng 26/7, khi đang tá túc tại một khách sạn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng).
Trước đó, Công an TP Đà Nẵng đã phát hiện 4 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép lưu trú tại ngôi nhà trên đường Dương Tử Giang (quận Ngũ Hành Sơn); 30 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép lưu trú tại khách sạn East Sea (quận Sơn Trà).
Đồng thời, tại tỉnh Quảng Nam, lực lượng chức năng phát hiện 21 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Từ lời khai của những người Trung Quốc bị phát hiện nhập cảnh trái phép, cơ quan công an đã nhận diện được đường dây đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng và Quảng Nam.
Đây là căn cứ để Công an TP Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án "Tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam trái phép" theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. 5 ngày trước khi bắt được “ông trùm” Cao Lượng Cố, Công an TP Đà Nẵng đã khởi tố, bắt giữ 3 đối tượng (gồm 2 người Việt và 1 người Trung Quốc) liên quan đến đường dây tội phạm này.
Ngày 27/7, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Quảng Ninh thông tin, đã khởi tố, bắt tạm giam 6 đối tượng ở TP Móng Cái, về hành vi “Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép”. Các đối tượng trong vụ án gồm 2 anh em Voòng A Sủi (SN 1997), Voòng A Hây (SN 1999); Nình Văn Xuân (SN 2002); Phùn Quay Phóng (SN 1998); Phùn Văn Dũng (SN 2001), cùng trú tại TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh; và Lỷ A Tằng (SN 1996), trú tại huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.
Quá trình điều tra xác định, trong thời gian làm việc tại TP Đông Hưng (Trung Quốc), Voòng A Sủi quen biết một người Trung Quốc tên “A Lùng”, và thường sử dụng Webchat để liên lạc. A Lùng thuê Sủi tổ chức cho một số người Trung Quốc nhập cảnh trái phép từ Đông Hưng (Trung Quốc) sang Móng Cái (Quảng Ninh) với chi phí 4.000 nhân dân tệ/người. Sủi đã rủ thêm em trai Voòng A Hây và những người quen biết tham gia.
Ngày 28/7, Công an tỉnh Lào Cai cho biết, đã khởi tố vụ án hình sự "Tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép" và khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 3 đối tượng có hành vi đưa người Trung Quốc qua biên giới trái phép, gồm: Phạm Văn Phong (SN 1988), Nguyễn Văn Hữu (SN 1988), cùng trú tại huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, và Nguyễn Ngọc Khánh (SN 2000), trú tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trước đó, trong quá trình tuần tra, tổ công tác Công an TP Lào Cai phát hiện 1 xe ô tô dừng đỗ tại khu vực biên giới có biểu hiện nghi vấn. Tiến hành kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe có 5 người, gồm 1 người Việt Nam lái xe, và 4 người quốc tịch Trung Quốc. Qua đấu tranh, số người Trung Quốc khai nhận đã tìm cách nhập cảnh trái phép qua khu vực lối mòn xã Bản Vược, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Đối tượng Cao Lượng Cố khi bị lực lượng công an Đà Nẵng, Quảng Nam bắt giữ.
Hình phạt lên tới 15 năm tù
Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Thị Hải Yến - Giám đốc Công ty Luật Nguyễn Viết cho hay, việc tổ chức cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp sẽ dẫn đến nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Với những đối tượng này, cần thiết phải xử lý, xử phạt nghiêm minh; đồng thời, công khai, công bố việc trừng trị thích đáng để làm gương.
Hiện nay, cơ quan công an tại một số tỉnh, TP đã, đang lần lượt khởi tố các vụ án liên quan đến hành vi tổ chức đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam theo quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự 2015 về “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”, điển hình như vụ đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Đà Nẵng. Những vụ án này cần thiết sớm đưa ra xét xử công khai để làm gương.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hùng - Công ty Luật TNHH CHD LAW cho hay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam được xem như hành vi ảnh hưởng nghiêm trọng đến xã hội. Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam được Quốc hội ban hành ngày 16/6/2014, việc nhập cảnh vào nước ta phải bảo đảm các điều kiện nhập cảnh (Điều 20) và không thuộc trường hợp chưa cho nhập cảnh (Điều 21).
Việc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh, chính trị, an toàn trật tự xã hội. Những hành vi này nằm ngoài kiểm soát của Nhà nước, rất dễ xảy ra các hành vi vi phạm tội khác như chống phá Nhà nước, buôn lậu...
Mức xử phạt đối với các hành vi này căn cứ theo Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ- CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn, xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; PCCC; phòng chống bạo lực gia đình. Thậm chí, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với trường hợp “Người nào xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc ở lại Việt Nam trái phép, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm” (theo Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015).
Với hành vi tổ chức đưa người nước ngoài vào Việt Nam trái phép, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP. Cụ thể, có thể bị phạt tiền từ 15 - 25 triệu đồng đối với hành vi: “Giúp đỡ, chứa chấp, che giấu, tạo điều kiện cho người khác đi nước ngoài, ở lại nước ngoài, vào Việt Nam, ở lại Việt Nam hoặc qua lại biên giới quốc gia trái phép”; Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với hành vi “Tổ chức, đưa dẫn hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép”.
Trường hợp nặng hơn sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Tổ chức cho người khác nhập cảnh vào Việt Nam trái phép" theo Điều 348 Bộ luật Hình sự. Tùy thuộc vào tính chất, mức độ của hành vi mà bị xử phạt ở các khung hình phạt khác nhau, hình phạt tối đa lên tới 15 năm tù giam. Đặc biệt, nếu lợi dụng tình hình dịch bệnh hiện nay để thực hiện hành vi này thì có thể xem là một hình thức tăng nặng để xử phạt ở khung hình phạt cao hơn.

Việc để cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, một phần do nhận thức của người dân. Vì vậy, cần tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến mọi tầng lớp Nhân dân; giúp người dân nhận thức được hành vi vi phạm, nếu để người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam có thể sẽ gây hậu quả khôn lường, nguy cơ lây lan dịch bệnh truyền nhiễm ra cộng đồng.

Luật sư Nguyễn Văn Hùng - Công ty Luật TNHH CHD LAW, Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thông báo giao Bộ Quốc phòng, UBND các tỉnh biên giới (giáp Trung Quốc, Lào, Campuchia) tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp nhập cảnh trái phép. Bộ Quốc phòng rà soát việc kiểm soát nhập cảnh trên các tuyến biên giới, nhất là qua các tuyến đường mòn, lối mở; xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân có sai phạm trong quản lý biên giới. Bộ Công an tập trung chỉ đạo xử lý các vụ việc nhập cảnh trái phép; chỉ đạo rà soát, kiểm tra các trường hợp nhập cảnh tại TP Đà Nẵng, các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, một số tỉnh miền Trung.