KTĐT - Nỗi lo mất số bao trùm thị trường viễn thông khiến cho các thuê bao di động nhốn nháo. Ngay cả những người đã từng đi khai báo thông tin cách đây vài tháng cũng có chung tâm trạng lo lắng.
Lo bị mất số, cắt liên lạc, hàng nghìn người đã đổ xô tới các cửa hàng, đại lý để khai báo thông tin trả trước. Điểm giao dịch quá tải, tổng đài tra cứu thông tin 1414 cũng trong tình trạng nghẽn trầm trọng.
Theo kế hoạch, 31/12 là hạn chót các thuê bao di động trả trước phải đến các điểm giao dịch để khai báo thông tin cá nhân, nếu không sẽ bị cắt liên lạc.
Từ sáng 31/12, Hà Nội chứng kiến cảnh người người đổ tới các điểm giao dịch để hoàn tất thủ tục đăng ký. Từ người già đến giới trẻ đều có chung nỗi lo: Nếu không khai báo thông tin, ngày mai, nhà mạng sẽ khóa số. Điều này đồng nghĩa với việc liên lạc bị gián đoạn, toàn bộ số tiền có trong tài khoản sẽ bốc hơi.
Chị Vi, chủ nhân thuê bao di động 091372xxxx xin nghỉ hẳn một buổi sáng để xếp hàng tại Bưu điện Bờ Hồ để đăng ký thông tin. Tới nơi lúc 9h, chị đã thấy một đoàn người rồng rắn xếp hàng chờ đến lượt vào khai báo. Biết là không thể chen chân vào đám đông gồm cả người già, đàn ông, đàn bà, trẻ nhỏ, chị đành tìm đến điểm giao dịch khác.
Thế nhưng, ở đâu chị cũng chứng kiến cảnh tương tự, người người xếp hàng rồng rắn, chen lấn xô đẩy để cố xin cho được tấm giấy để khai báo các thông tin cá nhân để gửi cho nhà mạng. Chợt nhớ ra cô em dâu làm việc ở VinaPhone. "Mừng như mở cờ, tôi vội gọi điện cho em nhờ đăng ký hộ", chị Vi nói. Dù cô em dâu khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: Chị vẫn là chủ nhân của số điện thoại trên và sẽ không có chuyện liên lạc bị gián đoạn. "Nhưng cẩn thận vẫn hơn, cứ tên mình đứng tên thuê bao mới chắc là của mình", chị Vi nói.
12h30 trưa 31/12, tại điểm giao dịch của VinaPhone tại số 2D, Láng Hạ, Hà Nội vẫn còn hàng trăm người đứng xếp hàng ra đến tận mép đường để chờ đến lượt vào khai báo thông tin. Nhân viên làm việc ở đây hầu như không có giờ nghỉ. Một cán bộ VinaPhone nói: "Đúng là nước đến chân, người dân mới bắt đầu xắn quần nhảy. Nhìn cảnh này chẳng khác nào thời bao cấp xếp hàng mua thực phẩm".
Tình cảnh tương tự cũng xảy ra tại hầu hết các điểm giao dịch của Viettel, MobiFone ở Hà Nội. Người ta tràn ra đường, đông đến mức không có chỗ để xe. Thậm chí có nơi, nhân viên phải "thúc" khách hàng đi chỗ khác. Hình ảnh này không mấy khó hiểu khi mà thời hạn cuối cùng "khóa số" chỉ còn được tính bằng giờ. Nhất là khi Bộ Thông tin và Truyền thông chưa có câu trả lời cuối cùng cho đề lùi thời hạn thêm thời gian ngắn nữa theo đề xuất của doanh nghiệp.
Nỗi lo mất số bao trùm thị trường viễn thông khiến cho các thuê bao di động nhốn nháo. Ngay cả những người đã từng đi khai báo thông tin cách đây vài tháng cũng có chung tâm trạng lo lắng. Một số người cẩn thận nhắn tin tới số 1441 để xác lại thông tin. Kết quả là "người vui, kẻ buồn", người hỷ hả vì mình đã là chủ của chính số di động đã sử dụng bấy lâu. Số khác thì "thở hắt ra" vì phát hiện mình đang sử dụng số điện thoại của một người ở Cao Bằng, Mèo Vạc, Hà Giang hay ở tận Đất Mũi.
Chị Phương Loan, một khách hàng trả trước còn đòi kiện nhà mạng vì "dám" tự tiện thay tên đổi họ của mình. Chị cho hay hồi tháng 5, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà mạng, chị đến điểm giao dịch của VinaPhone để hoàn tất thủ tục, gồm khai báo họ tên, số chứng minh thư, ngày tháng năm sinh, quê quán, kèm theo bản photo, chứng minh thư, hộ khẩu... Vậy mà, sáng 31/12, chị kiểm tra lại, tên của chị bị đổi thành Le Thi Yen. Người này sinh năm 1983, và mới khai báo thông tin từ ngày 14/12 vừa qua.
"Tôi cho rằng dữ liệu có vấn đề, người tên là Yen kia không thể "cướp" số máy của tôi một cách dễ dàng vậy", chị Loan nói. Điều chị thắc mắc nhất là những dữ liệu mà chị đã khai báo cho nhà mạng đã bị phiêu bạt nơi nào.
Anh Thái, một khách hàng khác thì rơi vào tình trạng "khóc dở mếu dở" hơn khi đi làm thủ tục khai báo thông tin. Nhân viên Viettel sau khi tra cứu dữ liệu trên hệ thống đã khẳng định anh đang đứng tên cho 5 thuê bao di động khác. Điều này đồng nghĩa anh Thái đang sở hữu quá số lượng sim cho phép. Nếu anh không chấp nhận cắt bỏ 2 số thì sẽ không được sở hữu thuê bao mà anh đang sử dụng.
"Tôi không thể hiểu nổi chuyện này. Gần 5 năm nay, tôi chỉ dùng một số duy nhất và chưa hề đứng tên bất kể thuê bao nào", anh Thái nói.
Theo thông tin từ 3 mạng di động Viettel, MobiFone và VinaPhone xác nhận đã có rất nhiều khúc mắc xảy ra trong ngày cuối cùng của năm và là hạn cuối khách hàng phải hoàn tất thủ tục khai báo thông tin. Nhân viên tại các điểm giao dịch được huy động tối đa để làm thủ tục cho khách hàng. Do vậy, các khiếu nại của khách hàng như trùng tên, nhầm ngày tháng năm sinh, "râu ông nọ cắm cằm bà kia"... sẽ được các mạng di động giải quyết trong những ngày tới.
"Việc người dân đổ xô đi khai báo thông tin, quả thật nằm ngoài dự đoán của chúng tôi. Nếu có vấn đề phát sinh trong quá trình khai báo, chúng tôi sẽ tiếp nhận và lần lượt giải quyết. Rất mong nhận được sự ủng hộ của khách hàng", đại diện VinaPhone nói.
Cả 3 doanh nghiệp lớn nhất hiện nay là Viettel, MobiFone và VinaPhone đều thừa nhận tình trạng nghẽn tổng đài tra cứu thông tin 1441 trong ngày hôm nay. Đây chính là lý do khiến hàng triệu thuê bao vẫn lơ lửng câu hỏi không biết mình đã làm chủ số di động của chính mình. Nhiều người cho biết đã gửi tin nhắn đến tổng đài 1441 từ sáng sớm mà đến tận 18h chiều vẫn chưa nhận được phản hồi.
Chiều nay, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông đã có buổi "ngồi lại" với doanh nghiệp để bàn phương án tiếp theo đối với các thuê bao chưa khai báo thông tin. Tuy nhiên, việc có gia hạn thêm thời gian khai báo thông tin hay không chưa có câu trả lời cuối cùng.
Theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, hôm nay 31/12/2009 là hạn chót để các thuê bao di động trả trước (gồm thông tin đã đăng ký chưa chính xác, khách hàng sở hữu từ 3 SIM mỗi mạng trở lên) phải đăng ký lại thông tin. Các thuê bao không tuân thủ quy định này sẽ bị cắt liên lạc.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có thông báo về kế hoạch triển khai quản lý thuê bao di động trả trước từ ngày 25/9/2007, trong đó chính thức quản lý thuê bao trả trước bắt đầu từ ngày 1/1/2008 đến hết ngày 31/12/2009. Ban đầu, để tạo điều kiện cho thuê bao, việc đăng ký thông tin có thể qua SMS hoặc cổng thông tin của nhà mạng. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, việc đăng ký bằng các hình thức này không đảm bảo thông tin chính xác nên đến tháng 9/2008, Thủ tướng đã chỉ đạo dừng việc đăng ký thông tin thuê bao di động trả trước bằng hình thức nhắn tin và trên website. Các thuê bao buộc phải đến điểm giao dịch của mạng di động để khai báo thông tin