Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững

Hồng Lĩnh - Xuân Lương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng ngày 7/9, Tỉnh ủy Sóc Trăng tổ chức Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025. Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tới dự.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ảnh Xuân Lương
Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2022. Ảnh Xuân Lương

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ông Lâm Văn Mẫn chia sẻ: Đây là Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, là điều kiện để Ban chấp hành Đảng bộ đánh giá những kết quả đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay, chỉ ra những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm cùng với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức; từ đó, đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong nửa cuối nhiệm kỳ còn lại nhằm hoàn thành mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã xác định, đó là “Đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững”.

Kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển

Theo báo cáo, trong những năm qua Tỉnh uỷ Sóc Trăng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó, tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá được xác định từ đầu nhiệm kỳ đạt được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được quan tâm chỉ đạo thực hiện; qua đó, môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Nguồn nhân lực của tỉnh tăng về số lượng và từng bước nâng cao về chất lượng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được quan tâm đầu tư, nhiều công trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kinh tế của tỉnh không ngừng phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; thu ngân sách đạt khá; thu hút vốn đầu tư trên địa bàn có chuyển biến tích cực; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch đi vào nề nếp và ngày càng chặt chẽ hơn. Lĩnh vực văn hoá - xã hội có chuyển biến, tiến bộ; chất lượng giáo dục - đào tạo, chăm sóc sức khoẻ nhân dân được nâng lên; công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm,… được quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Quốc phòng - an ninh được củng cố; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả; tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn; năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ được nâng lên; công tác dân vận trong hệ thống chính trị được triển khai đồng bộ, hiệu quả, tạo sự đồng thuận trong quần chúng nhân dân.

Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) theo giá so sánh năm 2010 bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 5,76%/năm, đạt 72% chỉ tiêu Nghị quyết. GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) ước tính đến cuối năm 2023 đạt 60,3 triệu đồng/người/năm, đạt 80,4% chỉ tiêu Nghị quyết. Cơ cấu GRDP (theo giá hiện hành) ước tính đến cuối năm 2023, khu vực I là 42,5%, khu vực II là 16,29%, khu vực III là 38,14%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm là 3,07%, cơ bản đạt chỉ tiêu Nghị quyết.

Tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao ước tính đến cuối năm 2023 là 92,13%, vượt 15,16% chỉ tiêu Nghị quyết. Sản lượng thuỷ, hải sản ước tính đến cuối năm 2023 đạt 362.000 tấn, đạt 86,81% chỉ tiêu Nghị quyết. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thuỷ sản ước tính đến cuối năm 2023 đạt 238,6 triệu đồng/ha, đạt 95,44% chỉ tiêu Nghị quyết.

Tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao ước tính đến cuối năm 2023 là 92,13%, vượt 15,16% chỉ tiêu Nghị quyết. Ảnh Xuân Lương
Tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, chất lượng cao ước tính đến cuối năm 2023 là 92,13%, vượt 15,16% chỉ tiêu Nghị quyết. Ảnh Xuân Lương

Luỹ kế đến cuối năm 2023 có 70 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 97,11% chỉ tiêu Nghị quyết; có 5 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, đạt 83,3% chỉ tiêu Nghị quyết. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính đến cuối năm 2023 là 12%, đạt 57,14% chỉ tiêu Nghị quyết. Giá trị xuất khẩu hàng hoá ước tính đến cuối năm 2023 đạt 1,5 tỷ USD, vượt 25% chỉ tiêu Nghị quyết.

Về đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, hệ thống kết cấu hạ tầng, công tác đầu tư xây dựng cơ bản luôn được các cấp quan tâm đầu tư và chỉ đạo thực hiện, coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm. Tổng vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được giao là 23.972 tỷ đồng; trong đó, đã bố trí sử dụng trong các năm 2021, 2022 và năm 2023 là 15.757 tỷ đồng. Tập trung đầu tư ở một số lĩnh vực quan trọng, như: Giao thông (52,88%); nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi và thuỷ sản (14,11%); giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp (10,46%); y tế, dân số và gia đình (3,93%).

Nhiều công trình, dự án trọng điểm đã và đang triển khai góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh đang triển khai một số dự án có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, dự kiến 2025 đưa vào khai thác sử dụng, như: Dự án thành phần 4 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1; Dự án Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; Đường Vành Đai I, Vành Đai II; Đường Nguyễn Huệ, thị trấn Phú Lộc; Dự án Đường 30/4 nối dài, thị xã Vĩnh Châu; Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường tỉnh 932, 932B, 933, 933B, 936, 938, 940; Nâng cấp đê cửa sông Tả, Hữu Cù Lao Dung; Trung tâm Y tế huyện Mỹ Xuyên; Xây dựng mới Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Dân tộc nội trú Vĩnh Châu,...

Tổng vốn đầu tư các dự án trên 200.000 tỷ đồng

Về Kết quả thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, đối với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới chiếm 87,5% tổng số xã, tăng 25% xã so với năm 2020; trong đó, 21 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; có 5 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Chương trình giảm nghèo bền vững, qua các năm triển khai, đời sống người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có những chuyển biến tích cực về kinh tế và xã hội. Hằng năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm trên 2%, tỷ lệ hộ Khmer nghèo giảm trên 3%. Ước đến cuối năm 2023, toàn tỉnh giảm được 13.929 hộ nghèo, từ 22.409 hộ (tỷ lệ 6,73%) xuống còn 8.480 hộ (tỷ lệ 2,54%); trong đó, hộ nghèo Khmer giảm bình quân từ 3% đến 4%/năm.

Đua ghe ngo truyền thống ở Sóc Trăng. Ảnh Xuân Lương
Đua ghe ngo truyền thống ở Sóc Trăng. Ảnh Xuân Lương

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1, tỉnh đã chỉ đạo huy động, lồng ghép các nguồn vốn triển khai thực hiện đã mang lại kết quả bước đầu, được đồng bào dân tộc thiểu số đồng thuận cao, phấn khởi cùng chính quyền địa phương tích cực hưởng ứng, sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ từ các nội dung thành phần, tiểu dự án, dự án thuộc Chương trình. Qua hơn 1 năm, đã xây dựng 85 công trình lộ giao thông, cầu giao thông nông thôn, nhà sinh hoạt cộng đồng và mạng lưới chợ; 4 công trình cấp nước tập trung; duy tu bảo dưỡng 31 công trình cơ sở hạ tầng; xây dựng bổ sung, nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, đồ dùng dạy học cho 3 trường phổ thông dân tộc nội trú; hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 423 hộ, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 387 hộ,...

Tổng sản phẩm xã hội của tỉnh (GRDP) tăng bình quân trong 3 năm (2021-2023) là 5,76%/năm, đạt 72% so với chỉ tiêu Nghị quyết. Ước GRDP bình quân đầu người năm 2023 (giá hiện hành) là 60,3 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 lần so năm 2020. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tỉnh uỷ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh thu hút, kêu gọi đầu tư phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, Khu công nghiệp An Nghiệp đã lấp đầy 97% diện tích cho thuê, giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động/năm; triển khai đầu tư, kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề, dự kiến cuối năm 2023 đủ điều kiện cho nhà đầu tư thứ cấp thuê mặt bằng; đang triển khai lập quy hoạch xây dựng Khu công nghiệp Sông Hậu, Đại Ngãi và Mỹ Thanh. Đã thành lập 06 cụm công nghiệp; trong đó, có 2 cụm công nghiệp giao cho doanh nghiệp làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật (Cụm công nghiệp Xây Đá B, Cụm Công nghiệp Xây Đá B mới), 2 cụm công nghiệp đã có dự án thứ cấp.

Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội năm 2023 ước đạt 82.000 tỷ đồng, tăng 1,7 lần so năm 2020, mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2023 đạt 19,54%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2023 ước đạt 1,50 tỷ USD, tăng 1,3 lần so năm 2020, vượt 25% chỉ tiêu Nghị quyết đến năm 2025; trong đó, giá trị xuất khẩu thuỷ sản là 1,05 triệu USD, tăng 1,25 lần so năm 2020.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ông Lâm Văn Mẫn cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã xác định, đó là “Đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững”.
Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng ông Lâm Văn Mẫn cho biết: Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã xác định, đó là “Đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững”.

Về lĩnh vực du lịch, các điểm du lịch được đầu tư, nâng cấp, mở rộng; du lịch tâm linh, du lịch lễ hội được phát huy; du lịch sinh thái, du lịch biển từng bước hình thành; tuyến tàu cao tốc Trần Đề - Côn Đảo phục vụ tốt nhu cầu tham quan, du lịch. Xây dựng, triển khai thực hiện tốt chính sách hỗ trợ phát triển du lịch, đã hỗ trợ 3 cơ sở, với tổng kinh phí 260 triệu đồng. Các doanh nghiệp lữ hành đẩy mạnh mở rộng thị trường du lịch với việc xây dựng các tour, tuyến kết nối du lịch trong và ngoài tỉnh, mở thêm nhiều dịch vụ, loại hình để đáp ứng nhu cầu của du khách; các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh hoạt động khá tốt.

Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã tiếp và làm việc hơn 280 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư trên địa bàn, qua đó đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 47 dự án, với tổng vốn đăng ký 51.209 tỷ đồng, tăng 4 dự án so với giai đoạn 2017-2019.

Trong đó, tỉnh đã tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2022 nhân sự kiện kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh. Tại Hội nghị, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 4 dự án, với tổng vốn 12.078 tỷ đồng, đồng thời đã ký kết 18 bản ghi nhớ nghiên cứu, khảo sát đầu tư, với tổng vốn đầu tư các dự án là 212.000 tỷ đồng. Đến nay, có 11/18 nhà đầu tư tham gia ký bản ghi nhớ có đề xuất dự án cụ thể. Một số dự án đã đi vào hoạt động, tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.