Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự án đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây là một dự án giao thông quy mô lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Sáng 8/2, tại xã Xuân Thạnh, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phát lệnh thông xe, đưa vào khai thác tuyến cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây - tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam.

Việc đưa vào khai thác tuyến đường sẽ rút ngắn khoảng cách và thời gian đi từ TP.HCM đi Ngã ba Dầu Giây theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km, mất 3 giờ đồng hồ do thường xuyên ùn tắc trong khi đi theo đường cao tốc sẽ rút ngắn được 20km và thời gian lưu thông chỉ còn 1 giờ; đi huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai dài 45km, mất khoảng 60 phút, nay rút ngắn khoảng cách xuống còn 22km với thời gian lưu thông còn khoảng 20 phút; đi Vũng Tàu hiện dài khoảng 120km, thời gian lưu thông hơn 2,5 giờ, trong khi đi đường cao tốc sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 95km với thời gian lưu thông còn khoảng 1 giờ 20 phút,…

 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ thông xe.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại lễ thông xe.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dự án đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây là một dự án giao thông quy mô lớn với tổng vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD; được thiết kế xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc hiện đại và đã vượt tiến độ 1 năm, được Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước đánh giá là dự án đường cao tốc đạt chất lượng cao nhất, tốt nhất từ trước tới nay. 

“Đây là dự án có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân, bảo đảm an ninh quốc phòng của khu vực và của cả nước”, Thủ tướng khẳng định.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của Bộ Giao thông vận tải, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam, TP.HCM, tỉnh Đồng Nai, các đơn vị thiết kế, thi công, các cán bộ, kỹ sư, công nhân và người lao động trên công trường đã làm việc ngày đêm để dự án hoàn thành trước tiến độ 1 năm, bảo đảm chất lượng và hôm nay được khánh thành, đưa vào sử dụng.
Đưa vào khai thác toàn tuyến cao tốc hiện đại nhất Việt Nam - Ảnh 1
Thủ tướng yêu cầu TP.HCM, tỉnh Đồng Nai cần đặc biệt quan tâm đến việc giải quyết việc làm, bảo đảm cuộc sống cho đồng bào đã nhường mặt bằng cho các dự án.

Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam tiếp tục hoàn thiện những công việc còn lại của  dự án, đảm bảo cho công trình được đồng bộ, hiện đại; cùng với TP.HCM, tỉnh Đồng Nai hoàn thiện các tuyến đường gom kết nối với đường cao tốc một cách đồng bộ để phát huy tối đa hiệu quả của dự án.

Nhấn mạnh vai trò của phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo phát triển nhanh hơn nữa đầu tư hạ tầng giao thông, trước mắt năm  2015 phải hoàn thành việc mở rộng, nâng cấp Quốc lộ 1 từ Lạng Sơn đến Mũi Cà Mau, đồng thời hoàn thành việc nối thông một số tuyến đường, đoạn đường quan trọng thuộc giai đoạn II của Dự án đường Hồ Chí Minh; huy động các nguồn lực cho xây dựng, hoàn thiện hệ thống đường bộ cao tốc của  Việt Nam…
Trạm thu phí Dầu Giây
Trạm thu phí Dầu Giây
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn các tổ chức quốc tế, Chính phủ và nhân dân các nước, đặc biệt là cảm ơn Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã tài trợ vốn ưu đãi thời gian dài cho Việt Nam để thực hiện đầu tư xây dựng các dự án hạ tầng, trong đó có dự án đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây. 

“Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, tài trợ của các đối tác, đồng thời cam kết sẽ sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay trong và ngoài nước để đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng”, Thủ tướng nêu rõ./.
 
- Đường cao tốc TP.HCM-Long Thành-Dầu Giây nối TP.HCM với Quốc lộ 51, huyện Long Thành và Quốc lộ 1A, đi qua địa phận của TP.HCM và tỉnh Đồng Nai, có tổng chiều dài toàn tuyến  55km và được chia làm 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư giai đoạn I là 20.630 tỷ đồng từ vốn vay thương mại của ADB (276,8 triệu USD), vốn vay ODA của JICA (640,3 triệu USD) và vốn đối ứng của Việt Nam.

- Dự án thành phần I (đoạn An Phú-Vành đai II) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường đô thị, tốc độ thiết kế 80km/giờ, quy mô giai đoạn I là 4 làn xe chạy. Dự  án thành phần II (đoạn Vành đai II-Long Thành-Dầu Giây) được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A, vận tốc thiết kế 120km/giờ, riêng cầu Long Thành tốc độ thiết kế là 100km/giờ, quy mô giai đoạn I là 4 làn xe.