Ngày 2/11, Đức sẽ chính thức gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC). Đối với nước Đức, đây là một bước quan trọng trong việc tăng cường quan hệ với ASEAN, một cộng đồng ngày càng trở nên quan trọng trong khu vực và trên thế giới.
Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác thể hiện niềm tin chung của chúng ta vào chủ nghĩa đa phương và hợp tác khu vực cũng như vào đối thoại và giải quyết xung đột một cách hòa bình dựa trên các quy định chung. ASEAN đã cam kết thực hiện các nguyên tắc này và nước Đức cũng vậy. Trật tự quốc tế mang tính đa phương và dựa trên luật lệ hiện đang bị đe dọa, chính vì vậy điều quan trọng là những nước tranh đấu cho các nguyên tắc cơ bản này cần chung tay và nhân đôi các nỗ lực của mình nhằm chống lại chủ nghĩa đơn phương, chủ nghĩa dân túy và sự chú trọng mang tính thiển cận vào chủ nghĩa dân tộc vị kỷ cực đoan. Vì vậy, nước Đức đã đưa ra sáng kiến xây dựng một liên minh ủng hộ chủ nghĩa đa phương – một mạng lưới các quốc gia cam kết duy trì và thúc đẩy trật tự dựa trên luật lệ cũng như tăng cường hợp tác và củng cố các giá trị của Liên Hợp quốc.
Ảnh minh họa. |
Do đó, với vai trò là thành viên lớn nhất của Liên minh Châu Âu, Đức hoan nghênh lời mời gia nhập Hiệp ước quan trọng này của ASEAN, một Hiệp ước với số lượng các nước thành viên ngày càng gia tăng. Đức ghi nhận sự quyết tâm của ASEAN trong việc mở rộng hợp tác khu vực tới các đối tác có quan tâm và cùng chí hướng. Việc gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác của Đức là sự bổ sung, tiếp nối sự gia nhập của Liên minh Châu Âu vào năm 2012. Đức sẽ nỗ lực để tạo nên sức mạnh tổng hợp và bổ sung lẫn nhau trong việc hỗ trợ và hợp tác với các đối tác tại Đông Nam Á.
Đức có mối quan hệ truyền thống và gần gũi với tất cả các nước thành viên của ASEAN. Đối với đa số các quốc gia này, nước Đức là một đối tác lớn trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Bên cạnh đó, sự hợp tác giữa các cơ sở nghiên cứu và hàn lâm cũng thể hiện cam kết của nước Đức trong việc chia sẻ các tiến bộ đạt được trong lĩnh vực công nghệ và đổi mới sáng tạo. Chương trình hợp tác phát triển của Đức được thiết kế để chủ động hỗ trợ sự tăng trưởng bền vững trong khu vực.
Năm 2016, nước Đức đã trở thành “đối tác phát triển” đầu tiên của ASEAN. Nước Đức luôn chủ động hỗ trợ các sáng kiến khu vực của ASEAN trong các lĩnh vực phát triển bền vững, hội nhập khu vực và nâng cao năng lực. Đối với nước Đức, ASEAN không chỉ là một đối tác phát triển: Đức còn coi khu vực này là trung tâm của sự tăng trưởng và năng động cũng như là trung tâm của các xã hội dân sự luôn nỗ lực vì sự cởi mở, dân chủ và pháp quyền.
Đức cũng coi ASEAN là một đối tác an ninh với vai trò ngày càng quan trọng hơn. Từ đầu năm 2019, Đức hợp tác chặt chẽ với Indonesia trên cương vị là hai Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Chúng tôi cũng đang hướng tới sự hợp tác tương tự với Việt Nam khi quốc gia này trở thành Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vào đầu năm 2020. Nước Đức ghi nhận các đóng góp quan trọng của nhiều nước ASEAN trong việc thực thi các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc trên phạm vi toàn cầu. Tại nhiều nước xảy ra khủng hoảng, quân đội Đức và quân đội các nước ASEAN luôn phối hợp chặt chẽ với nhau.
Là một trong những đầu tàu thương mại của thế giới, Đức luôn coi trọng sự ổn định trong khu vực, trong đó bao gồm cả các quyền tự do theo quy định của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS). Đức mong muốn tăng cường đối thoại với khu vực này, đặc biệt là khi ASEAN đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quan trọng trong việc kiến thiết một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương hòa bình, kết nối và lớn mạnh.
Với việc gia nhập Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác này, Đức cam kết sẽ trở thành một đối tác chủ động, đáng tin cậy và sẵn sàng hỗ trợ của ASEAN trên chặng đường duy trì và phát triển một môi trường khu vực hòa bình và thịnh vượng. Đức sẵn sàng chia sẻ tri thức và kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực: từ an ninh, quản lý khủng hoảng tới công nghệ và kết nối.
Thông qua vai trò của mình tại Liên minh Châu Âu, Đức cam kết sẽ thực hiện bổn phận của mình để đưa hai khu vực xích lại gần nhau hơn. Đức đang ủng hộ các nỗ lực nhằm tái khởi động các cuộc đàm phán liên khu vực về việc ký kết một Hiệp định Thương mại tự do bổ sung cho các Hiệp định Thương mại tự do song phương hiện có.
Trên cương vị là Chủ tịch Liên minh Châu Âu trong năm 2020, Đức sẽ nỗ lực hết mình để chính thức nâng cấp mối quan hệ EU-ASEAN lên Đối tác Chiến lược.