Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đứng đầu nhưng khó vui

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo xếp hạng tháng 4/2013 của FIFA, đội tuyển Việt Nam dù bị tụt ba bậc so với tháng 3 (xếp thứ 132), nhưng vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

 
Đứng đầu, nhưng bóng đá Việt Nam không cảm thấy vui, bởi nền bóng đá nói chung và tuyển Việt  Nam nói riêng vẫn đang loay hoay tìm đường đi.
 
Đau đầu chọn đường đi

VFF đang đứng trước sức ép lớn phải thay đổi diện mạo của đội tuyển Việt Nam. Đã có ý kiến đề nghị tổ chức này thay đổi quan điểm về nhân sự tại vòng loại Asian Cup 2015. Rằng, đội tuyển Việt Nam phải là tập hợp của những cầu thủ xuất sắc nhất. Có như vậy đội tuyển Việt Nam mới có được kết quả tốt trong thời gian sắp tới. Những ý kiến này lập luận rằng, thương hiệu của đội tuyển Việt Nam không phải là thứ để đem ra thử nghiệm. Bởi, ngoài việc phải bảo vệ hình ảnh của đội tuyển, VFF phải có những động thái cần thiết để bảo vệ quyền lợi của các nhà tài trợ. Như đã biết, suốt thời gian qua VFF có sự tiếp sức của hàng loạt thương hiệu lớn. Chỉ có điều, dòng tiền mà VFF nhận được tỷ lệ nghịch với thành tích của đội tuyển Việt Nam. Quá chán nản, nhà tài trợ yêu cầu cắt giảm số tiền tài trợ. Chưa hết, có đối tác dự định sẽ không gia hạn hợp đồng.

Đứng đầu nhưng khó vui - Ảnh 1

Dù tụt hạng, đội tuyển Việt Nam (áo trắng) vẫn đứng đầu khu vực Đông Nam Á.

VFF phải đảm bảo quyền lợi của nhà tài trợ. Thế nên, việc VFF chấp nhận việc đội tuyển Việt Nam tiếp tục thua ở vòng loại Asian Cup thì dù có đứng đầu Đông Nam Á cũng làm hài lòng các nhà tài trợ vốn đang rất cần những chiến thắng thực chất. Điều đó cũng có nghĩa, họ đang mạo hiểm với chính mình. Bởi, nếu không có những cú hích về thành tích, chắc chắn VFF sẽ lâm vào cuộc khủng hoảng về tài chính dù tuyển Việt Nam đang là đội bóng số 1 khu vực. Bởi, các doanh nghiệp không dễ chấp nhận vung tiền để nhận về thứ danh hão. Thế nên, giờ là lúc để các nhà hoạch định chiến lược của VFF phải đưa ra một lựa chọn thật sự đúng đắn chứ không thể đưa ra quyết sách một cách cảm tính như trước đây.

Mờ nhạt nhân tố trẻ

Đã vài trận đã đấu, dù được trẻ hóa một cách toàn diện nhưng người ta vẫn không thấy dấu ấn của những nhân tố trẻ. Hay nói đúng hơn, những cầu thủ được HLV Hoàng Văn Phúc chọn đều là các cựu binh. Nhưng, trớ trêu ở chỗ, họ không phải là những cầu thủ xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam trong thời điểm hiện tại nên thành tích của đội tuyển không được cải thiện. Trong khi đó, các cầu thủ trẻ được triệu tập chỉ để "làm cảnh" chứ không có cơ hội được ra sân để rèn giũa bản lĩnh trận mạc.

Từ màn trình diễn của các nhân tố trẻ, người ta bỗng thấy lo cho SEA Games 27, nơi mà U23 Việt Nam đặt mục tiêu vào trận chung kết. Bởi, nếu các cầu thủ trẻ không được dành cho những cơ hội để trưởng thành, U23 sẽ gặp khó. Thế nên, giới chuyên môn cho rằng, VFF cần phân định một cách rạch ròi giữa ĐTQG và U23. Trong đó, ĐTQG nhằm đến những mục tiêu lớn còn các cầu thủ trẻ trong độ tuổi U23 vẫn có những đấu trường vừa sức để hoàn thiện mình. Và nếu các nhà hoạch chiến lược không sớm tìm ra lời giải cho bài toán cân bằng giữa các mục tiêu thì có lẽ, thêm một lần nữa, bóng đá Việt Nam sẽ lâm vào cảnh “xôi hỏng bỏng không”.