Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng đầu tư mới sản xuất gạch ngói nung thủ công

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 20/12, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh, tập thể UBND TP đã họp phiên thường kỳ tháng 12 nghe Sở Xây dựng báo cáo dự thảo tờ trình ban hành Quy định về đầu tư, sản xuất gạch, ngói nung trên địa bàn Hà Nội.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Thế Hùng, trên địa bàn TP hiện có khoảng 1.450 lò gạch thủ công. Phần lớn, các lò gạch này sử dụng đất đai không đúng theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân… Từ năm 2009, TP chỉ đạo xóa bỏ sản xuất gạch, ngói nung bằng lò thủ công gây ô nhiễm môi trường theo quy định của Bộ Xây dựng nhưng chỉ đạo của UBND TP chưa được các địa phương nghiêm túc thực hiện. Việc Quy định về đầu tư, sản xuất gạch, ngói nung trên địa bàn Hà Nội là cần thiết.

Theo dự thảo quy định các dự án đầu tư sản xuất gạch, ngói trên địa bàn phải phù hợp với Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng TP Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Có công nghệ, thiết bị sản xuất đạt trình độ tiên tiến, bảo đảm chất lượng sản phẩm và môi trường sinh thái, khuyến khích các chủ đầu tư lựa chọn đầu tư công nghệ sấy nung sản phẩm bằng lò tuynel liên hoàn với thiết bị sản xuất trong nước. Sản phẩm gạch, ngói phải đạt chất lượng theo tiêu chuẩn đã được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Quy định cũng cấm hành vi sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất trong phạm vi di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng; đất nằm trong phạm vi bảo vệ hành lang các công trình giao thông, cầu, cống, thủy lợi, đê kè, vùng phân lũ, thoát lũ, chậm lũ; đường điện cao thế; đất an ninh quốc phòng vào sản xuất gạch ngói; các hộ gia đình, cá nhân không tự ý sản xuất gạch ngói nung bằng nguồn nguyên liệu tận dụng từ đất đào ao, đất hạ cốt ruộng, vườn… Tiến tới, cấm đầu tư mới sản xuất gạch, ngói đất sét nung vào giai đoạn 2016-2020.

Ngoài ra, các tổ chức, cá nhân, trong quá trình đầu tư sản xuất gạch, ngói nung có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ về hoạt động sản xuất kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Trong đó, bảo đảm chất lượng sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng theo thông tư của Bộ Xây dựng và các quy định có liên quan khác.

Tuân thủ quy định của pháp luật về trật tự an ninh, an toàn xã hội, bảo vệ đất canh tác, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường, có giải pháp bảo đảm môi sinh, môi trường, lập và thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

Trong quá trình hoạt động, nếu bụi, khói lò gây thiệt hại đến lợi ích của người sản xuất, trồng trọt, đời sống của nhân dân ở xung quanh thì phải tạm ngừng sản xuất, hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật và đền bù theo thỏa thuận với bị hại. Trường hợp không thỏa thuận được phải căn cứ theo kết quả đánh giá thiệt hại của cơ quan chức năng có thẩm quyền để đền bù. Tổ chức tiêu thụ sản phẩm phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng và phải phù hợp với Quy hoạch các địa điểm được phép kinh doanh vật liệu xây dựng có điều kiện trên địa bàn TP Hà Nội.

Sau khi nghe ý kiến góp ý của các đại biểu,  Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, việc ban hành quy định sản xuất gạch nung là cần thiết và nhấn mạnh, đây là văn bản pháp quy nên phải tuân thủ chặt chẽ các quy định của luật (Luật Khoáng sản, Luật Môi trường…); đề nghị Sở Xây dựng phải rà soát lại tất cả các luật liên quan, để hoàn thiện Quy định về đầu tư, sản xuất, gạch ngói nung trên địa bàn Hà Nội, trình UBND Hà Nội TP xem xét thông qua vào tháng 1/2013. Trong đó, các vấn đề xử lý vi phạm phải tách ra văn bản riêng.