Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để BOT thành từ khóa tiêu cực

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Suốt hai năm qua, cụm từ “trạm BOT” được dư luận và người dân cả nước không ngớt nhắc đến khi liên tiếp các trạm thu phí BOT giao thông từ Nam ra Bắc vấp phải sự phản ứng dữ dội từ các lái xe.

Câu chuyện BOT không còn là vấn đề của riêng ngành giao thông hay một vài địa phương, mà trở thành vấn đề của đất nước. 
 Trạm thu phí BOT Cai Lậy - Tiền Giang. Ảnh: Internet.
Vì thế, không ít lần Chính phủ phải họp khẩn, chỉ đạo nóng để tìm giải pháp phù hợp giải quyết vấn đề của BOT. Mọi chuyện chỉ tạm lắng lại khi có sự vào cuộc đồng thời của nhiều cơ quan, ban, ngành với những biện pháp quyết liệt, cứng rắn, cùng động thái đồng loạt giảm giá vé của một loạt trạm BOT. Tưởng BOT đang dần "hạ nhiệt" - tín hiệu mừng trong thời điểm Tết Nguyên đán cận kề, thì ngay trong những ngày đầu tháng 2 này, dự án BOT Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình lại bất ngờ được phát hiện “có vấn đề”. Trong buổi họp kiểm điểm về tình hình thực hiện dự án này (ngày 31/1), Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã ra “tối hậu thư” cho các nhà đầu tư dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình trong vòng 10 ngày (kể từ 31/1) phải đóng đủ 100% vốn sở hữu nếu không muốn hủy hợp đồng. Sai phạm của các nhà đầu tư được chỉ ra khiến không ít người "giật mình", bởi dù đã được gia hạn tới 3 lần, song đến nay dự án QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đã chậm tiến độ tới hơn một năm. Điều đáng nói, hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình đã hoàn thành từ tháng 4/2015, thực hiện thu phí từ tháng 10/2015 đến nay. Trong khi đó, hợp phần làm tuyến đường mới từ Hòa Lạc đi Hòa Bình gần như... giậm chân tại chỗ. Nguyên nhân của sự chậm trễ được cho là vì đơn vị tài trợ tín dụng ngừng giải ngân khiến nhà đầu tư không có tiền làm đường. Song một trong những điều kiện để ngân hàng giải ngân là các nhà đầu tư phải huy động đủ 100% vốn sở hữu. Nghĩa là các nhà đầu tư dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình đã vi phạm hợp đồng BOT về quy định đóng vốn sở hữu.

Sai phạm này đã tồn tại suốt một thời gian dài, nhưng đến tận bây giờ Bộ GTVT mới lên tiếng. Càng khó hiểu hơn, với sai phạm nghiêm trọng trên, đáng ra Bộ GTVT phải chấm dứt hợp đồng ngay từ ban đầu đối với nhà đầu tư, nhưng những DN này vẫn thực hiện hợp phần cải tạo, nâng cấp QL6 đoạn Xuân Mai – Hòa Bình rồi đặt trạm thu phí thu tiền hoàn vốn từ tháng 10/2015 đến nay. Trạm thu phí này ngay từ thời gian đầu mới đi vào hoạt động đã vấp phải phản ứng quyết liệt của người dân, bởi giá thu phí cao trong khi chất lượng mặt đường sau cải tạo không tương xứng.

Thực tế, việc thực hiện các dự án BOT giao thông nhằm huy động nguồn lực của xã hội để xây dựng hạ tầng giao thông là chủ trương đúng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, Bộ GTVT và các đơn vị liên quan liên tục bộc lộ những bất cập lớn, khiến dư luận như ngọn lửa bùng lên. Thế nhưng, sai phạm của dự án BOT QL6 Hòa Lạc – Hòa Bình một lần nữa cảnh báo công tác quản lý, giám sát việc thực hiện dự án của các nhà đầu tư BOT mà Bộ GTVT là đơn vị chịu trách nhiệm đầy rẫy bất cập, sai sót. Đã đến lúc những sai phạm này cần có biện pháp xử lý quyết liệt, cứng rắn để các dự án BOT giao thông phát huy đúng vai trò, chức năng, chứ không phải một từ khóa gắn liền với bất cập, phản đối.