Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng để doanh nghiệp tiếp tục chờ

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giấy tờ, thủ tục của DN đã đầy đủ nhưng 10 năm rồi vẫn không cấp phép; Có những khiếu nại của DN dù Thủ tướng đã chỉ đạo 2 lần nhưng tỉnh vẫn không thực hiện; có DN dù cả 3 bộ, ngành đã xác định hệ thống sản xuất có công nghệ tốt, không ô nhiễm môi trường nhưng tỉnh vẫn không cho triển khai, dù họ đã đầu tư hàng chục tỷ đồng… là những ví dụ được đại biểu Quốc hội đặt ra tại nghị trường để nói về vấn đề rào cản kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư.

 Ảnh minh họa
Muốn kinh tế Việt Nam cạnh tranh được thì lực lượng DN tư nhân phải mạnh, song trong hai ngày thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, rất nhiều ĐBQH đều lo ngại về những khó khăn mà DN tư nhân trong nước gặp phải, về tình trạng “trên nóng, dưới nóng, nhưng giữa lạnh”.

Những câu chuyện nêu trên có thể nói là điển hình của sự thờ ơ, việc làm tắc trách của cơ quan chức năng trong việc chậm cải thiện môi trường đầu tư, tác động tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh, làm giảm niềm tin của DN. Việc làm này cũng đi ngược lại tinh thần của Chính phủ về cắt giảm các thủ tục, tháo gỡ khó khăn cho DN. Thậm chí kết quả rà soát mới đây của Bộ Tư pháp cho thấy, vẫn còn hơn 5.600 văn bản hành chính trái pháp luật từ sai thẩm quyền, sai căn cứ pháp lý, sai nội dung đến thể thức…

Ngay cả Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, trong phiên họp tổ cũng cho rằng “nơi này, nơi khác”, “chỗ này, chỗ kia” công tác chỉ đạo còn rất chậm, nhiều thủ tục lặt vặt gây khó khăn cho DN. Đặc biệt chính sách khi ban hành tránh “giẫm chân nhau”, tránh thay đổi đột ngột gây khó khăn cho cộng đồng DN. Thủ tướng nhấn mạnh việc tháo gỡ sự chồng chéo trong thể chế, để thực sự có một Chính phủ kiến tạo phát triển là rất quan trọng. Thủ tướng cũng chỉ rõ cần cố gắng sắp xếp, tổ chức lại, tháo gỡ những ràng buộc cho sự phát triển.

Mục tiêu 1 triệu DN vào năm 2020 đặt ra dù đại diện Bộ KH&ĐT tự tin khẳng định đạt được, song mối quan tâm của giới kinh doanh lúc này vẫn là môi trường kinh doanh có đủ không gian cho các kế hoạch kinh doanh và lớn lên không chứ không hẳn chỉ là số lượng đặt ra. Điều trăn trở của các đại biểu là các giải pháp phải thiết thực, cụ thể để cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư, rào cản kinh doanh, dưỡng sức cho DN. Các DN cần bình đẳng, tự do, an toàn để kinh doanh. Nếu vế này không xử lý được, khó có dư địa cho DN lớn lên, khó có một lực lượng DN đủ mạnh. Đồng thời, cần xử lý nghiêm khắc tình trạng tùy tiện trong ban hành văn bản. Ai ban hành văn bản sai thì xử lý không để làm mất niềm tin của DN, nhà đầu tư, làm méo mó môi trường kinh doanh, giảm năng lực cạnh tranh quốc gia.