Đây là những thông tin được đưa ra tại cuộc hội thảo phòng chống tự tử
Những câu chuyện đau lòng
Trong hơn 10 năm làm nhiệm vụ ở đầu cầu Chương Dương, thiếu tá Lê Đức Đoàn (CSGT đội 1, CA TP Hà Nội), đã cứu hàng chục người có ý định nhảy xuống sông Hồng tự tử. Gần đây nhất, ngày 13/8, trong lúc trời mưa to, một phụ nữ quần áo ướt sũng vừa đi vừa khóc trên cầu. Thấy chị có ý định nhảy cầu tự tử, thiếu tá Đoàn đến khuyên can nhưng không thành, đành tìm cách tiếp cận, kéo tay giữ chị lại. Sau mới biết, chị này tự tử do mâu thuẫn gia đình, thường xuyên bị chồng đánh đập, hành hạ.
Trước đó không lâu, một thanh niên khoảng 25 - 26 tuổi dáng vẻ buồn bã, trèo qua lan can cầu, định gieo mình xuống dòng nước sông Hồng đang cuộn chảy. thiếu tá Đoàn có mặt tại trụ cầu số 7, mặc cho anh và người đi đường can ngăn, người thanh niên ấy vẫn quyết định buông tay khỏi lan can cầu. Trong tình huống khẩn cấp, anh vội vã gọi một chiếc thuyền đang cắm sào cách cầu chừng 100m giúp đỡ. Nhờ anh cùng người dân cứu, nam thanh niên thoát chết. Cũng không ít lần ngăn cản không được, anh Đoàn phải lao theo người tự tử xuống dòng nước đang chảy để cứu… Anh cho biết, hầu như tháng nào cũng có người có ý định tự tử ở cầu Chương Dương, họ ra sát trụ cầu số 6, 7, nơi sông sâu nhất, chảy xiết để nhảy xuống.
Một nữ sinh định nhảy cầu tự tử được CSGT can ngăn trên cầu Chương Dương ngày 20/4/ 2012. Ảnh: Vinh Thành
Ở khía cạnh bệnh học, BS Nguyễn Hương Xuân, BV Tâm thần T.Ư 1 nhắc đến những câu chuyện buồn khác. Bà cho biết, căn bệnh trầm cảm ngày càng tăng khiến số bệnh nhân có ý định tự tử đến BV tăng theo. Mặc dù được các BS tận tình tư vấn, cứu chữa, nhưng nhiều người vẫn thực hiện thành công hành vi tự tử ngay trong BV. Mỗi năm có đến hàng chục người, hầu hết đều thực hiện vào thời điểm buổi trưa hoặc 18 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau. Đây là thời điểm nhân viên y tế nghỉ việc, chỉ còn lại kíp trực. "Mỗi kíp trực chỉ có 1 BS, 4 y tá, trong khi đó phải quản hơn trăm bệnh nhân nên không xuể" - BS Xuân chia sẻ.
Trong nhiều năm công tác tại BV, bà đã chứng kiến quá nhiều trường hợp tự sát, nhiều bệnh nhân được đưa đến khám trong tình trạng bình thường, những câu chuyện họ chia sẻ với BS không có biểu hiện của người tâm thần. BS cho về, không ngờ về đến nhà, họ tự tử luôn. Có bệnh nhân nội trú, dù được theo dõi sát sao, nhưng lúc đêm hôm, họ xé chăn, màn xoắn làm dây để thắt cổ. Thậm chí, bệnh nhân nội trú trộm đồ của người nhà mặc vào để thoát khỏi cổng bảo vệ, ra đường lao đầu vào ô tô, tàu hỏa tự sát...
Đừng vô cảm
Có vô vàn nguyên nhân khiến nạn nhân muốn tìm đến cái chết như: Bị điểm kém, thất tình, giận vợ, giận chồng, thua bạc, nợ nần… Nghiên cứu mới đây của Trung tâm phòng chống khủng hoảng tâm lý, một tổ chức phi chính phủ tại Hà Nội cho thấy, ước tính khoảng 8,9% người Hà Nội từng có ý nghĩ tự tử. Còn theo khảo sát của Khoa cấp cứu, BV Nhi đồng 1, trẻ 14 - 15 tuổi có tỷ lệ tự tử rất cao, chiếm 65,8% các trường hợp tự tử. Trong số đó, nữ nhiều hơn nam và phần lớn các ca tự tử đều sống với cha mẹ (87,8%).
Theo BS Xuân, hành vi tự tử có thể phòng ngừa được, nếu có sự vào cuộc của cả người thân, người dân và hệ thống y tế. Tuy nhiên, đã gọi là "phòng" thì không nên để khi nạn nhân có ý định tự tử rồi mới tìm cách chia sẻ, khuyên giải. Mà trước tiên, những người trong gia đình phải hiểu được tâm lý và có sự chia sẻ, yêu thương người thân mình. Dẫu bất cứ hoàn cảnh nào cũng động viên người thân biết vượt qua thử thách, gian khó. Nhiều trường hợp sẽ thoát chết nếu không bị chồng hành hạ, bố mẹ đuổi đi, giáo viên bêu xấu, bạn bè sỉ nhục… Chính sự vô cảm của những người xung quanh là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nạn nhân tìm đến hành vi tự tử.
Như một chuyên gia tâm lý, thiếu tá Lê Đức Đoàn cho rằng, tình người sẽ là một phương thuốc quý giúp nạn nhân vượt qua những cú sốc tinh thần, có thể tránh được thảm họa tự tử. "Đừng vô cảm trước tính mạng của người thân mình và cộng đồng", là lời nhắn nhủ của anh với mọi người trước vấn nạn tự tử đang ngày một gia tăng.