Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nội dung sửa đổi Nghị định 84 vẫn chưa tạo được sự thay đổi đột biến.
Thị trường xăng, dầu vẫn còn nhiều vướng mắc cần được giải quyết.Ảnh: Yên Chi
Rối giá cơ sở
Ngay khi Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung thay thế Nghị định 84 và các Thông tư hướng dẫn thực hiện được Bộ Công Thương công bố đã có rất nhiều ý kiến phản hồi. Nhiều người cho rằng, Dự thảo sửa đổi vẫn không "bắt" đúng bản chất của những tồn tại, vướng mắc trên thị trường xăng, dầu. Dự thảo chỉ thay đổi biên độ điều chỉnh giá chuyển từ 10 ngày như hiện nay lên 15 ngày, còn dự trữ lưu thông vẫn tính bình quân 30 ngày.
Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Tập đoàn xăng dầu Petrolimex và một số DN đầu mối khác, biên độ như vậy chưa phù hợp với sự biến động thường xuyên của giá xăng, dầu thế giới mà phải ngắn hơn. Để phù hợp với sự biến động liên tục, thường xuyên của giá xăng, dầu thế giới nên công bố giá bán lẻ tối đa là 10 ngày. Khi các yếu tố cấu thành biến động làm cho giá cơ sở tăng trong khoảng 3%, DN được tự ý điều chỉnh giá bán lẻ tương ứng thay vì 5% như Dự thảo. Ngoài ra, với cách tính giá cơ sở và giá bán hiện hành với chu kỳ bình quân 30 ngày đã khiến giá xăng, dầu trong nước chưa bắt kịp thế giới. Ở phương án hai và ba là sự xuất hiện quy định mới: Nhà nước định giá trần, sau đó tùy diễn biến thị trường, DN sẽ tăng/giảm dựa trên giá trần đó. Phương án ba cũng nêu Nhà nước sẽ công bố mức trần giá bán lẻ xăng, dầu cho cả năm tại ngày làm việc đầu tiên của năm. DN đầu mối tự quyết định giá bán, thời điểm điều chỉnh giá tùy thuộc vào phương án kinh doanh của từng DN, theo diễn biến giá xăng, dầu thế giới.
Phương thức định giá như vậy, TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học thị trường giá cả, cho rằng, đối với thị trường xăng, dầu còn tình trạng độc quyền nhưng vẫn có cạnh tranh ở mức độ thấp là không hợp lý. Chưa kể, hàng quý, cơ quan quản lý Nhà nước vẫn phải tính toán để bù đắp sự chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán lẻ. Việc làm này ngày càng gây thêm sự phức tạp cho DN và cơ quan quản lý. Hơn nữa, cách tính giá trần tăng chưa hợp lý vì mức này không theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dự kiến trong năm của Chính phủ.
Bức xúc thuế, phí
Thống kê của VINPA Việt Nam, thời gian qua, cơ chế điều hành thực sự không ổn định, đơn cử như năm 2010 tăng thuế 4 lần, năm 2011 điều chỉnh 3 lần và năm 2012 điều chỉnh tới 7 lần. Hiệp hội này cũng chỉ ra rằng, trên thực tế việc không thực hiện ổn định thuế nhập khẩu và sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ thường xuyên điều chỉnh giá bán lẻ, làm giá bán lẻ xăng, dầu trong nước không vận hành theo giá thị trường và là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khi tăng thì tăng cao, tăng nhanh nhưng khi giảm thì giảm nhỏ giọt khiến dư luận bức xúc.
Theo Chủ tịch VINPA Phan Thế Ruệ, nên ổn định thuế nhập khẩu trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm với khung thuế suất hợp lý. Điều đó sẽ tạo sự thuận tiện cho tính giá cơ sở và quyết định giá bán của các DN đầu mối. Ngoài việc ủng hộ quan điểm nên ổn định thuế nhập khẩu, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hóa dầu Quân đội lại cho rằng, nên loại thuế tiêu thụ đặc biệt ra khỏi cơ cấu giá xăng, vì xăng là nhu cầu thiết yếu. Ngoài ra, mặt hàng này cũng đã phải chịu thuế môi trường nên nếu "gánh" thêm thuế này sẽ gây nên tình trạng thuế chồng thuế.
Bên cạnh việc điều chỉnh thuế, nhiều DN cho rằng, trong việc trích sử dụng Quỹ bình ổn cũng bị lủng củng không rõ lúc nào trích quỹ, lúc nào xả quỹ... Nhiều chuyên gia bày tỏ: Nếu Quỹ bình ổn không hiệu quả như mong đợi thì nên bỏ, còn nếu duy trì thì phải cải tiến. Theo VINPA, nếu Quỹ bình ổn giá vẫn tiếp tục được sử dụng thì nên đổi tên là Quỹ Dự trữ tài chính. Trong trường hợp này, Thủ tướng sẽ ban hành quyết định riêng quy định nguyên tắc trích lập, quản lý và sử dụng quỹ. "Kinh doanh xăng, dầu như ma trận, quá nhiều biến số, ngoài chuyện giá thế giới còn các loại thuế phí, quỹ bình ổn... do đó, các cơ chế chính sách làm sao đơn giản đừng để quá nhiều biến số. DN mong muốn để làm sao biến số ít nhất để có thể tính toán được khi kinh doanh", đại diện một DN xăng, dầu đầu mối phía Nam bày tỏ.
Cả ba phương án trong Dự thảo Nghị định sửa đổi bổ sung thay thế Nghị định 84 vẫn chưa có nhiều đột phá từ nhận thức lẫn cách làm. "Cái gốc của vấn đề" vẫn chưa được Nghị định 84 "chạm" đến khi thị trường xăng, dầu vẫn chưa phải là thị trường cạnh tranh thực sự. Nếu thực hiện như vậy thì chưa có gì đảm bảo sẽ giảm bớt được bức xúc cho xã hội cũng như cái khó cho DN và cả Nhà nước về quản lý điều hành giá. Do đó, nên có một phương án đột phá hơn, mang tính thị trường cao hơn, giúp giảm bớt áp lực cho DN và Nhà nước về vấn đề bù giá.
TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện khoa học thị trường giá cả
|