Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dừng làm thủ tục hải quan với doanh nghiệp nợ thuế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị...

Kinhtedothi - Ngày 8/11, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã có chỉ thị yêu cầu các đơn vị trong ngành đẩy mạnh công tác thu nợ thuế trong khoảng thời gian còn lại của năm, trong đó nhấn mạnh việc sẽ dừng làm thủ tục hải quan với những doanh nghiệp còn nợ ngân sách.

Cụ thể, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu cơ quan thuế, hải quan phải ban hành 100% thông báo nợ thuế và tiện chậm nộp đối với các đối tượng còn nợ thuế.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Với những doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế, Bộ trưởng chỉ thị các đơn vị phối hợp với Kho bạc nhà nước, Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng tiến hành cưỡng chế. Các giải pháp được lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh bao gồm cả việc phong tỏa tài khoản, trích tiền từ tài khoản của đối tượng bị cưỡng chế tại Kho bạc, Ngân hàng, tổ chức tín dụng để nộp vào ngân sách.

Mạnh tay hơn, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, trường hợp doanh nghiệp chưa nộp đủ tiền thuế nợ thì sẽ dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Ngoài ra, cơ quan quản lý cũng sẽ buộc doanh nghiệp ngừng phát hành hóa đơn bán hàng và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Cũng nhằm cân đối nguồn thu, chỉ thị của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng yêu cầu lãnh đạo cơ quan thuế, hải quan các cấp phải đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả, phát hiện kịp thời các khoản khai thác tăng thu, các địa bàn còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp.

Các cơ quan này cũng được yêu cầu phải cụ thể hoá chỉ tiêu thu các tháng còn lại, giao chỉ tiêu thu cho từng đơn vị, từng cá nhân theo từng tuần, từng tháng để đảm bảo nguồn thu ngân sách.

Trong những tháng còn lại của năm 2013, lãnh đạo ngành tài chính cho biết sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp có rủi ro cao đã được hoàn thuế, doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp đồng thời thanh tra giá chuyển nhượng và thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực thương mại điện tử.

Về chi ngân sách, người đứng đầu ngành tài chính cho biết sẽ tăng cường thắt chặt chi tiêu thường xuyên để giảm áp lực cho ngân sách.

Đặc biệt, Bộ Tài chính khẳng định sẽ không xử lý bổ sung ngoài dự toán và ứng vốn, trừ trường hợp thật sự cần thiết và cấp bách. Đến hết năm, dự toán chi thường xuyên đã giao nhưng sử dụng chưa hết sẽ bị hủy bỏ.