Dung lượng thị trường trong nước tăng gần như liên tục và đã đạt quy mô khá lớn. Vấn đề đặt ra là thị phần của kinh tế trong nước được giữ như thế nào?
Tỷ lệ tổng mức bán lẻ (TMBL)/GDP năm 2015 đạt 77,3% - cao nhất từ trước tới nay. Tốc độ tăng (nếu loại trừ giá) đạt 8,4% - vừa cao hơn năm trước (8,1%), vừa cao hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế (6,68%). Cơ sở hạ tầng đã có sự cải thiện cả về số lượng, chủng loại, chất lượng, mỹ thuật với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ. Năm 2015, giá cả tiêu dùng đã được kiềm chế, vừa thấp nhất trong 14 năm qua, vừa thấp xa so với mục tiêu. Dung lượng thị trường tăng lên với tốc độ tương đối cao do cả 2 yếu tố. Tăng trưởng GDP vừa cao nhất từ năm 2009 đến nay, vừa vượt mục tiêu, tạo tiền đề cho thu nhập và sức mua có khả năng thanh toán cao lên. Tỷ lệ tiêu dùng thông qua việc mua bán trên thị trường cao lên, tỷ lệ tiêu dùng sản phẩm tự cấp, tự túc giảm, tăng tính thị trường của nền kinh tế, theo cam kết khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), phù hợp với các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới. Với tốc độ tăng như thời kỳ 2011 - 2015 (11,7%/năm), dự báo dung lượng năm 2016 sẽ vượt qua mốc 167 tỷ USD. Đó là quy mô khá lớn, có sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, thương mại nước ngoài.
Tuy nhiên, cần lưu ý khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm trên dưới một nửa giá trị sản xuất công nghiệp, chiếm trên 2/3 kim ngạch xuất khẩu. Mặc dù khu vực này hiện chỉ chiếm tỷ trọng thấp trong TMBL nhưng lại đang có tốc độ tăng rất cao, nhờ các thế mạnh về vốn, quản lý, quảng cáo, cơ sở vật chất kỹ thuật..., lại trong điều kiện Việt Nam mở cửa, hội nhập sâu, rộng hơn với tầm cao mới..., nên khu vực kinh tế trong nước phải vươn lên để giữ thị phần của chiếc bánh thị trường có dung lượng lớn lên. Muốn vậy, cần khắc phục những hạn chế bất cập hiện tại: Quy mô nhỏ, vốn ít, cơ sở hạ tầng (nhất là hệ thống chợ ở nông thôn) còn yếu, quản trị kém, tình trạng hàng giả, hàng lậu, gian lận thương mại khá phổ biến, cân đo đong đếm chưa bảo đảm, VSATTP chưa tốt... Hiện còn một số loại hàng hóa, dịch vụ giá cả chưa theo thị trường, làm méo mó thị trường. Ngoài việc tự lớn mạnh, còn phải có sự liên kết giữa các đơn vị trong nước, trên cơ sở phát huy lợi thế nắm bắt được nhu cầu, có vùng nông thôn rộng lớn, nhu cầu và sức mua còn thấp...
Các chỉ số thống kê tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam qua một số năm.
|