Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đứng ngồi không yên vì nắng nóng

Yến Dư - Lâm Nguyễn - Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội đang trải qua đợt nắng nóng đầu tiên, báo hiệu một mùa Hè gay gắt. Các ngày 19 - 20/4, có thời điểm nền nhiệt lên tới 38 – 40 độ C. Nắng nóng đầu mùa còn ngay lập tức mang đến cho người dân Hà Nội cảm giác mệt mỏi, uể oải do cơ thể chưa kịp quen với sự thay đổi của thời tiết.

 Người dân chống chọi với nắng nóng tại Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Người dân “ngất ngư” trong nắng nóng đầu mùa
Ông Trần Ngọc Anh (Hà Đông) chia sẻ: “Tôi làm nghề xe ôm nên từ sáng sớm đến tối mịt đều phải ở trên đường. Những lúc có khách, chạy xe còn đỡ, lúc ngồi không, cái nóng hầm hập bao quanh cực kỳ khó chịu”.
Tương tự, một người bán xổ số trên vỉa hè - chị Lê Thị Thủy (Hoàng Mai) cho hay: “Cảm giác nóng nực, oi bức nhất là khoảng từ 9 - 17 giờ. Tôi ngồi bán hàng mà cái nóng cứ hầm hập hắt vào người. Nếu không vì cuộc sống quá khó khăn, những ngày này tôi cũng sẽ nghỉ bán, ở nhà trốn nắng”.
Đại diện Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP cho hay: “Cứ vào mùa nắng nóng là anh em rất vất vả, có người chỉ trong vòng một tháng sút đến mấy cân, da dẻ lúc nào cũng đen nhẻm”. Vị này còn chia sẻ thêm, mùa nắng nóng cũng là thời điểm giao thông Hà Nội xuất hiện nhiều tập tính xấu nhất, như hiện tượng người điều khiển phương tiện túm tụm lại chờ đèn đỏ dưới các bóng cây, hay vượt đèn đỏ, vội vã trốn nắng, bất chấp cản trở giao thông và gây mất ATGT nghiêm trọng.
Năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành kế hoạch trồng thêm 1 triệu cây xanh. Năm 2019, TP đặt kế hoạch sẽ trồng thêm 600.000 cây nữa. Trồng cây, mở rộng các mảng xanh được xem là giải pháp hữu hiệu nhất cho đô thị Hà Nội trong bối cảnh thời tiết ngày càng cực đoan và hiệu ứng đô thị ngày càng gây ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường sống.
 Nông dân chăm sóc cho bò sữa trong ngày nắng nóng
Bảo vệ cây trồng, vật nuôi trước nắng nóng
Ngày 21/4, giữa thời tiết nắng nóng oi bức của đầu Hè, bà con nông dân vẫn phải nỗ lực tìm mọi cách chống nóng cho cây trồng, vật nuôi nhằm giảm tối đa thiệt hại. Anh Phùng Mạnh Hà, chủ vườn bưởi Diễn 3.000 gốc ở xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ chia sẻ, nắng nóng liên tiếp dù chỉ mới kéo dài vài ngày nay nhưng vườn bưởi của anh đang phải hứng chịu sự phát sinh gây hại của nhện. Thời tiết càng nắng nóng thì nhện càng sinh sôi mạnh, với cây non nhện làm xoăn lá khiến cây sinh trưởng chậm, với cây cho quả nhện làm xấu mã quả. Vì vậy, từ 3 ngày nay anh Hà đã phải phun thuốc đặc trị nhện. “Cũng may là bưởi đang ở giai đoạn quả non, chứ bưởi ở giai đoạn quả to hơn mà gặp thời tiết nắng nóng như này thì bị cháy nám vỏ và rụng quả là không thể tránh khỏi” – anh Hà bộc bạch.
Bà Hoàng Thị Sáng, ở thôn Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh cho hay: “Mấy ngày nay, nhiệt độ cao 38 – 390C cộng với nắng gay gắt đã làm cho diện tích rau của gia đình tôi bị táp lá, héo rũ, giảm hơn 50% năng suất. Ngày nào tôi cũng phải ra đồng tưới nước cho rau từ 5 giờ sáng”. Cùng với bà Sáng, hiện, nhiều hộ dân ở vùng rau Đông Cao đang phải bơm nước giữ ẩm cho ruộng rau. Thậm chí, ngay từ đầu mùa Hè, để phòng chống nóng cho rau màu, một số hộ đầu tư cả mái che nilon.
 Nông dân thông Đông Cao, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh chăm sóc rau
Một số chủ trang trại cho hay, thiệt hại do dịch bệnh, giá cả còn chưa qua mà nắng nóng đã ập tới sớm khiến họ đang lao đao lại càng thêm vất vả. Anh Nghiêm Đình Minh, chủ trang trại Minh Hà nuôi 3.000 con lợn ở xã Tiên Dương, huyện Đông Anh tâm sự, mấy ngày nay trang trại của anh như “ngồi trên đống lửa” bởi vừa lo lắng vừa phải chống chọi thời tiết nắng nóng gay gắt. Suốt 3 ngày cao điểm nắng nóng vừa qua, gia đình phải huy động hàng chục nhân công, túc trực 24/24 giờ để kiểm tra, chăm sóc sức khỏe, tắm mát cho đàn lợn. Bên cạnh đó, trang trại phải vận hành hết công suất hệ thống quạt làm mát, sử dụng chất điện giải phối trộn trong nước uống, thức ăn để giải nhiệt cho đàn lợn.
Hộ anh Lê Văn Trẻo, ở xã Liên Châu, huyện Thanh Oai cho hay, dù mới bước vào đầu mùa Hè những sản lượng trứng của trang trại 6.000 vịt đẻ của anh đã giảm rõ rệt. Để giảm thiểu thiệt hại do nắng nóng gây ra, trung bình mỗi ngày anh Trẻo phải chi khoảng nửa triệu đồng cho việc mua men vi sinh bổ sung giải nhiệt, tăng sức đề kháng, hấp thụ thức ăn cho đàn vịt. Đó là chưa kể, việc vận hành hệ thống quạt và giàn phun nước làm mát trong nhiều giờ (cao điểm từ 9 giờ sáng đến 15 giờ chiều hàng ngày) đang ngốn khoảng 20 triệu đồng tiền điện mỗi tháng.