Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Dùng photoshop xử lý ảnh khâu hậu kỳ: “Con dao hai lưỡi”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - So với các môn nghệ thuật khác, nhiếp ảnh Việt có lẽ đạt nhiều thành tích để báo công nhất trong ngày kỷ niệm thành lập ngành (15/3). Thế nhưng, người quan tâm đến nhiếp ảnh vẫn muốn nhắc giới làm nghề khi quá lạm dụng phần mềm photoshop để xử lý khâu hậu kỳ ảnh.

Cho đến hôm nay, các bức ảnh "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước" của Minh Trường, "Xác máy bay B52 bên hồ Ngọc Hà" của Hữu Tiệp, "Mẹ con ngày gặp mặt" của Lâm Hồng Long... vẫn là những tác phẩm "để đời" của nhiếp ảnh Việt. Đó không chỉ là tư liệu lịch sử, mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự, đạt cả về nội dung lẫn kỹ thuật nhiếp ảnh. Người yêu nhiếp ảnh cũng nhớ mãi tác phẩm "O du kích nhỏ" của Phan Thoan được thực hiện vào ngày 21/9/1965 trong bối cảnh không quân Mỹ oanh tạc dữ dội miền Bắc Việt Nam. Trong tác phẩm có sự tương phản đến kính phục khi một nữ dân quân nhỏ thó ôm súng áp giải một phi công Mỹ to cao, cúi đầu bước đi. Ngay khi ra đời, bức ảnh đã được coi là "kiệt tác của nhiếp ảnh Việt Nam" và gây được tiếng vang trong dư luận ở nhiều nước trên thế giới. Thời ấy, người nghệ sĩ chỉ có trong tay máy ảnh cơ…

Dùng photoshop xử lý ảnh khâu hậu kỳ: “Con dao hai lưỡi” - Ảnh 1

Với chiếc máy ảnh cơ, nghệ sĩ Phan Thoan đã tạo ra kiệt tác của nhiếp ảnh Việt Nam với tác phẩm  "O du kích nhỏ".

Còn hiện tại, giới nhiếp ảnh đã có thể thảnh thơi trên đường sáng tác với máy ảnh kỹ thuật số, ống tele hiện đại… cả sự hỗ trợ đắc lực của phần mềm photoshop trong khâu xử lý ảnh hậu kỳ. Dù nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Hồng Linh, người được Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tước hiệu MFIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy) có chia sẻ: "Bối cảnh ngày xưa khác, bây giờ khác, chụp ảnh về đề tài đổi mới khó lắm! Tuy hoàn cảnh, điều kiện bây giờ có nhiều thuận lợi, nhưng không có bối cảnh để chụp. Chính vì thế, muốn có tác phẩm độc đáo, hầu hết các nghệ sĩ phải đi tới những vùng sâu, vùng xa, thậm chí những nơi hiểm trở mới thực hiện được".

 Thế nhưng, mỗi năm, giới nhiếp ảnh Việt vẫn mang về hàng trăm giải thưởng từ đấu trường quốc tế. Chỉ có điều các "fan" của nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn cảm thấy buồn vì tính chân thực của ảnh có phần giảm sút do photoshop bị lạm dụng trong khâu hậu kỳ. Chính người trong nghề cũng cho rằng, sử dụng photoshop giống như "con dao hai lưỡi": "Trước đây, để có một tác phẩm nghệ thuật đích thực, người nghệ sĩ phải tự làm từ A đến Z. Tức là, từ ý tưởng ban đầu, tự bỏ tiền bạc, thời gian, công sức đi sáng tác. Sau khi chụp ảnh phải lựa chọn, xử lý phim trong buồng tối rồi rửa ảnh. Hiện, khâu hậu kỳ trở nên dễ dàng hơn trên máy tính, có thể dùng phần mềm photoshop để cắt hình, bỏ chi tiết thừa… nhằm làm tăng giá trị tác phẩm. Nhưng việc lạm dụng thái quá phần mềm này có thể dẫn đến tác dụng ngược" - nghệ sĩ nhiếp ảnh Phạm Hùng Cường cho biết. Đây cũng chính là nỗi lo ngại đang thường trực của những người làm nghề hiện nay, bởi nó làm giảm đi tính chân thực của tác phẩm, dù cho các đường nét, bố cục bức ảnh có thể "nét" hơn. Thực tế đã có không ít tác phẩm nhiếp ảnh mang lại cho người xem cái cảm giác "giả" đó và buông lời bình luận: "Ngoài đời làm gì có cảnh "sạch" như thế này!". Đúng như phân tích của Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh: "Nếu nghệ sĩ hoặc người được nghệ sĩ nhờ xử lý khâu hậu kỳ không am hiểu sâu sắc về nhiếp ảnh sẽ sửa ảnh không đúng với thực tiễn. Thoạt đầu, người xem có thể thấy đẹp, hay, lạ nhưng không nhớ lâu". Các tay máy chuyên nghiệp cho rằng, chỉ khi người làm ảnh có kỹ năng nghiệp vụ, am hiểu kiến thức nhiếp ảnh và có phông văn hóa thì mới "tiết chế" được sự can thiệp của photoshop vào các tác phẩm. Được biết, tới đây, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh sẽ mở thêm nhiều trại sáng tác, cuộc thi ảnh… có quy mô toàn quốc và quốc tế để tăng cường kỹ năng, nghiệp vụ cho các nghệ sĩ. Hội nghề nghiệp hy vọng rằng hoạt động nghề này sẽ giúp photoshop tham gia đúng mức vào tác phẩm của nghệ sĩ Việt.