Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đừng tạo điều kiện cho thói quen nhờn luật

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa rồi, có một sự việc khiến nhiều người quan tâm.

Đó là tình trạng quá tải trong cấp giấy phép kinh doanh vận tải cho xe tải dưới 3,5 tấn. Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, chỉ trong hai tuần, các DN đề nghị cấp phù hiệu cho 1.500 xe/ngày, tăng gấp 5 lần so với ngày thường. 
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet.
Đơn vị cấp phép của Sở đã huy động nhân sự và tăng giờ làm việc từ 8 giờ lên 14 giờ/ngày vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu trên. Sở GTVT TP Hồ Chí Minh phải gửi lời xin lỗi tới các chủ xe vì không đáp ứng được nhu cầu quá lớn. Tương tự, tại Hà Nội, ông Đào Việt Long - Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT cho biết, những ngày cuối tháng 6, Sở tiếp nhận trung bình 1.000 hồ sơ xin cấp phù hiệu xe tải/ngày. Sở đã tăng ca liên tục, nhưng vẫn không kịp tiến độ cấp trả phù hiệu cho người dân. Đến ngày 5/7, dù mới 9 giờ 30, bộ phận cấp phép của Sở đã thông báo hết số đăng ký cấp phù hiệu xe tải dưới 3,5 tấn. Nhiều người đến lượt, nhưng hồ sơ không đủ điều kiện do chưa nắm được những quy định cụ thể như Bản sao đăng ký, đăng kiểm xe phải còn thời hạn, phải có thiết bị giám sát hành trình theo đúng quy định và phải truyền dữ liệu về Tổng cục Đường bộ Việt Nam…

Theo Nghị định 86/2014/NĐ-CP, từ 1/7/2018, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng ôtô có trọng tải dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô, gắn thiết bị giám sát hành trình và phải được gắn phù hiệu “Xe tải”. Tuy nhiên, đến thời điểm này, còn rất nhiều xe tải nhỏ chưa có phù hiệu. Nguyên nhân một phần do quá tải, các Sở GTVT cấp không kịp. Phần khác là nhiều DN, hộ kinh doanh không biết quy định này, đến gần thời hạn mới vội vã đi xin giáy phép và phù hiệu. Nguyên nhân nữa của tình trạng quá tải trên là do có cả những chủ xe không trong diện cũng đến đăng ký, xin phù hiệu. Ông Đào Việt Long cho biết, nhiều chủ phương tiện không kinh doanh vận tải chưa hiểu rõ quy định nên vẫn đến làm thủ tục. Theo Khoản 1, Điều 50, Thông tư 63 của Bộ GTVT, đơn vị kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp (vận chuyển hàng hóa nội bộ từ nhà đến kho) sử dụng phương tiện dưới 10 tấn và có số lượng dưới 5 xe thì không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ôtô, phù hiệu xe tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.

Bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giải thích cụ thể về viêc này. Theo đó, Khoản 1 Điều 50 Thông tư 63/2014 quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hàng hóa không thu tiền trực tiếp phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ôtô thuộc các đối tượng như: Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng hóa nguy hiểm theo quy định của Chính phủ; Sử dụng phương tiện để vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng theo quy định về tải trọng, khổ giới hạn đường bộ; Có từ 5 xe trở lên; Sử dụng phương tiện có khối lượng chuyên chở cho phép tham gia giao thông từ 10 tấn trở lên để vận chuyển hàng hóa. Như vậy, cá nhân, chủ xe kinh doanh vận tải không thu tiền trực tiếp, sử dụng phương tiện có khối lượng hàng chuyên chở cho phép tham gia giao thông dưới 10 tấn để vận chuyển hàng hóa và có số lượng dưới 5 xe không thuộc đối tượng phải cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, phù hiệu vận tải và gắn thiết bị giám sát hành trình.

Thực tế trên cho thấy tình trạng quá tải việc cấp phép đăng kí kinh doanh vận tải cho các loại xe tải dưới 3,5 tấn những ngày qua ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hoàn toàn có thể tránh được, nếu công tác truyền thông việc thực hiện Nghị định 86/2014/NĐ-CP cũng như Thông tư 63/2014, cùng các quy định khác của cơ quan chức năng về lĩnh vực này được làm tốt hơn, để người dân hiểu rõ và làm theo.

Không chỉ gây sức ép cho cả chủ xe lẫn cơ quan chức năng, tình trạng quá tải không đáng có nêu trên còn dẫn đến một hệ lụy khác. Giống như một số trường hợp đã từng xảy ra, như nhiều lần trước, quy định của Nghị định 86/2014/NĐ-CP từ ngày 1/7/2018, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ôtô có trọng tải dưới 3,5 tấn phải có giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô, gắn thiết bị giám sát hành trình và phải được gắn phù hiệu “Xe tải” đã không thực hiện được. Theo thông tin từ phòng CSGT, Công an TP Hà Nội thì trước mắt, lực lượng CSGT chưa thể xử phạt các chủ xe theo quy định trên. Ngoài nguyên nhân chưa thể cấp biển đăng kí theo quy định vì quá tải, còn do một số quy định trong các văn bản có liên quan đến lĩnh vực này chưa thống nhất. Vậy là lại một lần nữa, người dân thêm “cơ hội” để tiếp tục thói quen nhờn luật.

Nói vậy là bởi tình trạng tương tự không phải mới xảy ra lần đầu. Những ngày trung tuần tháng 4/2018, các thuê bao ùn ùn kéo đến nhà mạng để bổ sung thông tin cá nhân. Bởi theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP đến ngày 24/4/2018 các thuê bao di động phải có đầy đủ thông tin cá nhân, nếu không sẽ bị khóa chiều gọi đi. Một trường hợp khác, cách đây gần 2 năm, Bộ GTVT phải bãi bỏ quy định sau 6 tháng kể từ ngày 31/12/2016, người có GPLX ôtô bằng giấy bìa nếu không đổi sang vật liệu PET sẽ phải sát hạch lại lý thuyết để cấp lại GPLX (như Thông tư số 58/2015 đã quy định). Riêng GPLX môtô các loại vẫn được giữ lộ trình đổi với hạn cuối là 31/12/2020. Trước đó, quy định này đã gây tình trạng quá tải tại các điểm cấp đổi giấy phép lái xe và đã bị Bộ Tư pháp “tuýt còi”. Cả hai trường hợp trên đều do những quy định được ban hành không khả thi hoặc chưa được tuyên truyền đến người dân một cách chính xác, kịp thời.

Vậy là thêm một lần nữa các cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiên những quy định trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là những vấn đề có tác động đến đông đảo người dân. Có như vậy mới tránh được những hiện tượng quá tải và đặc biệt là tránh tạo điều kiện dung dưỡng thói quen nguy hiểm: Nhờn luật!