Theo khảo sát của Bộ Công Thương, thế giới biết đến thương hiệu Việt và sự ấn tượng về hình ảnh biểu trưng cho sản phẩm hàng hóa Việt Nam còn mờ nhạt. Nguyên nhân chính là do chỉ có 20% DN đầu tư xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các DN chỉ chú trọng đăng ký thương hiệu độc quyền tại thị trường trong nước mà chưa đăng ký tại thị trường nước ngoài. Điều này đang khiến nhiều DN chịu thiệt đơn, thiệt kép khi nền kinh tế ngày càng hội nhập sâu rộng. Đã có nhiều trường hợp, sản phẩm của DN Việt rất nổi tiếng và được ưa chuộng trên thế giới như: Cà phê Trung Nguyên, mít sấy Vinamit, giày dép Bitis… bị chiếm đoạt thương hiệu tại một số thị trường nước ngoài, gây tổn thất lớn trong việc mở rộng thị trường và cạnh tranh với hàng ngoại nhập.
Đáng nói, Việt Nam có thế mạnh về hàng thủ công mỹ nghệ, với hàng nghìn làng nghề lâu đời nhưng trên thực tế các sản phẩm này khi xuất khẩu ra nước ngoài lại không mang thương hiệu Việt Nam mà của nước khác. Có tới, 90% hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian dưới dạng sản phẩm thô hay gia công cho những thương hiệu nước ngoài. Nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam chỉ được bán với giá vài chục USD nhưng nhà nhập khẩu gắn mác thương hiệu của họ, giá trị sản phẩm đã tăng hàng chục lần. Đáng buồn hơn, số lượng DN, làng nghề thấy được giá trị gia tăng hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam không nhiều, năng lực còn yếu nên đành chấp nhận xuất khẩu sản phẩm dưới một cái tên khác hoặc sản xuất theo đơn đặt hàng.
Có thể khẳng định, xây dựng thương hiệu là yếu tố then chốt giúp DN cạnh tranh sòng phẳng hơn với các DN cả trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay xây dựng thương hiệu không chỉ là tấm giấy thông hành giúp DN trong hoạt động xuất khẩu, mà còn làm nên danh tiếng, thương hiệu của cả một quốc gia. Do đó, đối với thị trường nội địa, cần nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường quảng bá thương hiệu giúp DN kéo khách hàng quay lại với các sản phẩm trong nước. Thêm vào đó, các ngành chức năng vào cuộc tích cực nhằm hướng dẫn chi tiết hơn để DN, doanh nhân hiểu được ý nghĩa sống còn của thương hiệu và phát triển thương hiệu, từ đó nâng cao được giá trị hàng hóa.
Được biết, hiện Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Nội dung chương trình có sự gắn kết thương hiệu sản phẩm của DN với các hoạt động thu hút đầu tư, quảng bá văn hóa, du lịch. Đặc biệt là nêu rõ cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, các DN và cá nhân liên quan trong tổ chức thực hiện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh sự hỗ trợ của nhà nước, chính bản thân các DN, làng nghề phải đầu tư thỏa đáng cho thương hiệu, coi đó là quyền lợi sát sườn của chính mình để đồng lòng, chung sức khẳng định vị thế và uy tín quốc gia trên trường quốc tế.