Hợp đồng BOT được ký giữa Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Công ty CP BOT VIETRACIMEX8 (nhà đầu tư) với giá trị hợp đồng hơn 531 tỷ đồng, thời hạn bắt đầu thu phí từ ngày 1/9/2009, thời gian thu phí 16 năm 10 tháng.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, tuyến đường Bắc Thăng Long - Nội Bài hiện do TP Hà Nội quản lý nên TP đã đề nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí này để phù hợp với công tác quản lý hạ tầng và tránh UTGT do trạm thu phí nằm trên tuyến đường nối từ sân bay quốc tế Nội Bài đi về trung tâm Hà Nội. Đồng thời người tham gia giao thông trên tuyến này rất bức xúc vì không đi trên tuyến tránh Vĩnh Yên (Dự án BOT) mà vẫn phải trả phí.
Với các lý do trên, Bộ GTVT đã thống nhất với UBND TP Hà Nội xem xét các phương án di dời trạm để báo cáo Chính phủ. Bộ GTVT đã làm việc với các Bộ, địa phương, nhà đầu tư và báo cáo Chính phủ kiến nghị dừng thu phí TTP Bắc Thăng Long - Nội Bài từ ngày 1/7.
Đồng thời di chuyển trạm về QL2 (đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên) cùng kết hợp nhà đầu tư BOT QL2 (đoạn Nội Bài - Vĩnh Yên) thu phí, mỗi nhà đầu tư thu một chiều với mức thu phí bằng 2 lần mức phí theo quy định của Thông tư 90/2004/TT-BTC của Bộ Tài chính, sau 3 năm sẽ xem xét điều chỉnh mức tăng hợp lý nhằm đảm bảo phương án tài chính của dự án cơ bản không thay đổi so với hợp đồng BOT nhà đầu tư đã ký với Tổng cục Đường bộ Việt Nam.
Về việc xử lý với 4 trạm chuyển giao quyền thu phí, thực hiện Nghị định 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ, Bộ GTVT đã xóa bỏ toàn bộ TTP hiện đang nộp ngân sách Nhà nước (19 trạm).
Đối với 4 trạm chuyển giao quyền thu phí cho các nhà đầu tư (trạm Phù Đổng, trạm Hoàng Mai, trạm Bàn Thạch- QL1 và trạm Bãi Cháy- QL18), Bộ GTVT đã xây dựng phương án xử lý trình Chính phủ theo hướng mua lại các TTP này, bảo đảm hài hòa quyền lợi cho các nhà đầu tư, người dân và Nhà nước. Hiện, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện đàm phán với các nhà đầu tư mua lại quyền thu phí tại 4 trạm nay để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian sớm nhất.