Phong cảnh đèo Ngang xuất hiện tựa như một bức tranh trầm mặc với cảnh chiều tà nhuộm nỗi buồn man mác, khiến bạn phải bâng khuâng bồi hồi.
Do tính chất địa lý và địa hình đặc biệt như vậy nên từ xưa Hoành Sơn và đèo Ngang luôn là chốt giữ hiểm yếu trên con đường thiên lý Bắc - Nam. Qua những thăng trầm của lịch sử và bao cuộc chiến tranh, ngày nay đèo Ngang là ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình.
Từ thời vua Lâm ấp đã cho xây lũy để chống giữ quân Tấn và đến thế kỷ XVII, quân Trịnh lại một lần nữa xây dựng hệ thống đồn lũy ở đây, gọi là lũy Đèo Ngang hay lũy ông Ninh. Khi Quang Trung Nguyễn Huệ thống nhất đất nước, đèo Ngang là cửa ngõ vào Nam ra Bắc.
Ngày trước, chúa Nguyễn Hoàng nghe lời sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân”, đã vượt dãy Hoành Sơn vào trấn thủ Thuận Hóa (năm 1558), mở mang bờ cõi và lập nên nhà Nguyễn sau này.
Trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh giữa Đàng Ngoài - Đàng Trong (1570 - 1786), sông Gianh thuộc Quảng Bình là ranh giới phân chia Nam - Bắc, nhưng chốt án ngữ quan trọng của quân Trịnh ở bờ bắc chính là đèo Ngang.
Sau khi Nguyễn Ánh lên ngôi, lập nên triều Nguyễn và đóng đô ở Phú Xuân (Huế) thì đèo Ngang với dãy Hoành Sơn vẫn là một điểm trấn thủ quan trọng ở mặt bắc. Năm Minh Mạng thứ 14 (1833), vua cho xây Hoành Sơn quan trên đỉnh đèo Ngang, cao hơn 4m, hai bên có thành đăng dài hơn 30m, ở trên cửa đắp nổi ba chữ Hoành Sơn Quan. Hai phía Hoành Sơn Quan đào núi thành 1000 bậc. Nay Hoành Sơn Quan vẫn còn, không nguyên vẹn nhưng vẫn uy nghi, phong trần nơi đầu núi góc biển.
Cùng với Hải Vân quan ở mặt nam (trên đèo Hải Vân - ranh giới giữa Huế và Đà Nẵng) và Trấn Hải thành ở mặt đông (cửa biển Thuận An), Hoành Sơn quan ở mặt bắc là biểu tượng của cửa ngõ vào đất kinh sư. Năm Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838), vua cho đúc 9 đỉnh đồng lớn (cửu đỉnh) đặt ở Đại Nội (Huế), hình tượng Hoành Sơn - đèo Ngang được chọn khắc vào “Huyền đỉnh”.
“Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoaLom khom dưới núi tiều vài chúLác đác bên sông chợ mấy nhà”.
Không biết có phải từ bài thơ tuyệt tác viết theo thể thất ngôn bát cú Đường luật vần trắc của Bà Huyện Thanh Quan hay không, mà đèo Ngang trở nên gần gũi với du khách ưa khám phá. Ngoài bà Huyện, đèo Ngang là nguồn cảm hứng bất tận của bao thi nhân từ Lê Thánh Tông, Nguyễn Thiếp, Vũ Tông Phan, Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Du, vua Thiệu Trị, Nguyễn Hàm Ninh, Nguyễn Phước Miên Thẩm, Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát… đã lưu dấu tại đèo Ngang với những tuyệt phẩm thơ cổ.
Leo lên đỉnh đèo Ngang, nếu tiết trời đẹp bạn sẽ có dịp phóng mắt ra tầm xa nhìn con đèo uốn lượn quanh. Bạn ngắm trọn núi rừng trên dãy Hoành Sơn, nơi con đèo vắt ngang, và cũng là một nhánh của dãy Trường Sơn hướng về phía Biển Đông. Phía xa xa biển cả là vịnh Hòn La, điểm du lịch sinh thái biển rất nổi tiếng.
Đến nay, đã có một đường hầm xuyên đèo, dài gần 500m, được xây dựng hiện đại và kiên cố với 6 làn xe lưu thông, song có rất nhiều người vẫn giữ thói quen phải đi qua đèo. Một lần đi qua đèo, là một lần tận hưởng sự khoáng đạt của cây cỏ đất trời, để cảm nhận những thanh âm trong trẻo từ tự nhiên đầy thi vị. Nếu đi bằng đường hầm kia dù có thể rút ngắn được thời gian vượt đèo, nhưng lại không thể nào tự trả lời được câu hỏi: Điều gì khiến đèo Ngang đã làm nguồn cảm hứng cho thi ca?
Đèo Ngang cách TP Hà Tĩnh (tỉnh Hà Tĩnh) 75km về phía bắc, và thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình), cách 80km về phía nam. Bạn có thể khám phá “đường quan đi trên núi” này bằng xe hơi, thậm chí xe máy. Trong một ngày đến với Hoành Sơn Quan bạn có thể viếng mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đền Thánh mẫu Liễu Hạnh và bãi biển Đá Nhảy.
Nếu có mặt vào trời chiều tại đèo Ngang, bạn sẽ có dịp “Dừng chân đứng lại trời, non, nước” như bà Huyện nổi tiếng thi ca năm nào.