Chưa rõ các chính sách ưu đãi
Sửa luật phải phải tăng thị phần cho đường sắt và rà soát lại các chính sách, các quy định cụ thể để phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay. Đó là vấn đề được nhiều thành viên UBTV Quốc hội đặt ra. Đồng thời, việc đưa ra các chính sách ưu đãi phải tính toán trên hiệu quả thực tế. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhận định: “Ngành đường sắt vừa qua chưa được quan tâm đầu tư thích đáng, nhưng nội dung Dự luật lại chưa rõ các chính sách ưu đãi đầu tư. Đúng là cần có giải pháp đột phá, nhưng đột phá như thế nào? Nếu không nêu được cụ thể vào đây thì cũng phải xác định nguyên tắc rồi dẫn chiếu đến các luật liên quan như Luật Đất đai, Luật Đầu tư…”.
Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nhận xét: “Chính sách phát triển đường sắt nêu trong Dự luật lần này đã cố gắng cụ thể thêm một bước, nhưng vẫn còn chung chung với những từ ngữ kiểu “tập trung, chính sách, ưu tiên”… Chưa thấy rõ đột phá ở đâu?". Vế vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng, Luật sửa đổi lần này phải giải quyết được những bất cập và mở ra bước đột phá mới về chính sách pháp luật; để ít nhất trong 5 - 10 năm tới, đường sắt phải là chủ đạo hoặc là một trong các loại hình giao thông chủ đạo. “Phải mở đường cho đường sắt phát triển, đi theo đó là phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách cho ngành giao thông. Đường sắt cần được hưởng chính sách ưu đãi nhất về thuế” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh và lưu ý các cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải dẫn chiếu sang các luật về đầu tư và thuế để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Đã tính đến đường ngang dân sinh?
Sau hàng loạt vụ tai nạn nghiêm trọng tại đường ngang qua đường sắt thời gian qua, việc xác định rõ trách nhiệm cụ thể của địa phương, bộ, ngành trong Dự luật này cũng là vấn đề được đặt ra. Theo Chủ nhiệm Ủy ban VHGDTNTN&NĐ Phan Thanh Bình, “Dự luật có giao trách nhiệm cho chính quyền các địa phương trong vấn đề này. Vậy, các địa phương có quyền lợi không, hay chỉ có trách nhiệm? Nếu chỉ trách nhiệm thì kinh phí được bố trí từ đâu?". Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét: Dự luật có chỗ quá chung chung, nhưng cũng có chỗ lại quá cụ thể, dẫn đến không bao quát đầy đủ các trường hợp trong thực tế. Bà Nga cho rằng, Bộ GTVT cần rà soát trong 5 năm qua xảy ra bao nhiều vụ tai nạn lớn ở giao cắt đường bộ với đường sắt, thuộc trách nhiệm của ai, để trên cơ sở đó rà soát lại quy định về trách nhiệm của chính quyền và của ngành đường sắt.
Giải trình thêm về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết, trước mắt, giải pháp là cho người gác tạm thời để cảnh báo cho người dân, vì hiện nay có hơn 4.200 đường ngang trái phép nên không thể lắp đặt cảnh báo. Đồng thời, yêu cầu địa phương xóa bỏ đường ngang và làm đường gom vào các vị trí có đường ngang để có thể lắp biển báo tự động. Bộ trưởng Bộ GTVT cũng đưa ra quan điểm: Thời gian qua, đường ngang dân sinh qua đường sắt được mở một cách tùy tiện, nhiều địa phương không nắm được. Rất mong trong Luật sửa đổi lần này phải thể hiện rõ trách nhiệm của địa phương.
Để giải quyết các “điểm đen” về an toàn đường sắt, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: Hơn 4.000 đường dân sinh trái phép mà vẫn để như vậy, chứng tỏ chế tài chưa nghiêm. Tới đây, địa phương nào để mở đường dân sinh trái phép, gây tai nạn nghiêm trọng thì người đứng đầu thậm chí phải bị cách chức mới giải quyết được tình trạng này. “Những nơi thực sự có nhu cầu thì Nhà nước phải tính đến kế hoạch đầu tư, chẳng hạn làm hầm chui chứ không thể chỉ có rào chắn. Không thể để dân chết thì mặc dân” - Chủ tịch Quốc hội nêu.
Theo Bộ GTVT, hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh, trong đó 1.511 đường ngang hợp pháp, hơn 4.200 đường ngang dân sinh mở trái phép. Các đường ngang dân sinh trái phép hầu hết không có biển cảnh báo, không nằm trong quy hoạch. |