Dự án gồm 3 gói thầu xây lắp chính. Gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch - Trung Hoà dài 3.575m; gói thầu số 2 đoạn Trung Hoà- Thanh Xuân dài 2.070 m; gói thầu số 3 đoạn Thanh Xuân- Bắc Hồ Linh Đàm có dài 3.267m. Khi hoàn thành, con đường này kết nối 3 trục giao thông huyết mạch ở khu vực phía Bắc gồm quốc lộ 1, quốc lộ 5 và đại lộ Thăng Long, góp phần quan trọng trong việc giảm thiểu ùn tắc giao thông của thủ đô Hà Nội.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị điện tử về tiến độ thực hiện tuyến đường, Tổng giám đốc Ban quản lý Dự án Thăng Long Vũ Xuân Hoà cho biết, đến nay, gói thầu số 3 đã hoàn thành trước 6 tháng, gói thầu số 2 về đích trước 14 tháng, gói thầu số 1 đoạn Mai Dịch- Trung Hoà rút ngắn được 8 tháng so với thời gian dự kiến.
Ngay sau khi khánh thành, đường vành đai 3 trên cao được bàn giao cho TP Hà Nội quản lý và khai thác vận hành.
Theo Sở GTVT Hà Nội, sau khi thông xe, toàn bộ tuyến đường dài hơn 9km này chỉ dành cho ô tô lưu thông. Cũng từ ngày 21/10, liên ngành Công an - Giao thông sẽ bố trí các chốt trực trên tuyến đường, đặc biệt là các nhánh đường dẫn lên xuống để xử lý phương tiện không tuân thủ tốc độ cũng như xe máy đi lên đường cao tốc.
Cụ thể, từ 21/10 thay vì đi vào nội đô, ôtô lưu thông theo hướng Mai Dịch - Thanh Xuân - Linh Đàm và ngược lại được phép lưu thông đường trên cao; với xe khách chạy hướng Pháp Vân - Mỹ Đình và ngược lại bắt buộc phải đi trên đường này. Tốc độ phương tiện được phép lưu thông tối đa là 80km/h.
Trước đó, Sở GTVT Hà Nội cũng đã đề nghị Ban Quản lý Dự án Thăng Long khẩn trương chỉ đạo nhà thầu khắc phục tồn tại ở những hạng mục bảo đảm an toàn giao thông tuyến đường trên cao trước khi chính thức đưa vào khai thác, đồng thời lên kế hoạch phân làn giao thông các phương tiện. Các vạch sơn trên đường, đặc biệt tại các điểm tiếp đất, nút giao Mai Dịch, hàng rào chống chói tại dải phân cách giữa, có màu sắc trắng sáng chưa phù hợp, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông.