Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Đường về cho những mảnh đời lầm lỡ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi được thành lập vào năm 2017, Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Hà Nội (có địa chỉ tại xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn) đã trở thành mái nhà chung của những người lầm lỡ. Cũng tại nơi đây, hàng trăm học viên đã tìm lại được cuộc đời sau những tháng ngày chìm trong u mê của ma túy.

Sinh hoạt như trong quân ngũ
5 giờ sáng, tiếng chuông báo thức toàn khu đánh thức anh N.V.M (có địa chỉ tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) trở dậy. Sau bữa ăn sáng được cán bộ Cơ sở chuẩn bị, anh M đến khu xưởng sản xuất để tham gia lao động công ích. Đây là một trong những hoạt động hàng tuần đã được lên lịch từ trước dành cho các học viên.
Ngoài lao động sản xuất, anh M cùng các học viên còn được tham gia các hoạt động khác như thể dục thể thao, đào tạo nghề… Thư viện với trên 200 đầu sách cũng là nơi các học viên có thể ghé đến để giải trí. Và dù không được sử dụng điện thoại, tuy nhiên, anh M cũng có thể gọi điện thăm hỏi gia đình 2 tuần/lần. Điều này giúp anh M cùng hàng trăm học viên vơi bớt nỗi nhớ nhà, cũng như có thêm động lực để tiếp tục hành trình chống chọi với cám dỗ của ma túy.
  Y, bác sĩ khám sức khỏe cho các học viên. Ảnh: Trọng Tùng
Theo Trưởng phòng Giáo dục – hòa nhập cộng đồng Vũ Văn Viết, tại cơ sở hiện có 350 học viên cai nghiện tự nguyện và 250 học viên cai nghiện bắt buộc. Các học viên tại cơ sở thực hiện 12 chế độ trong ngày. Trong đó, có đi lao động sản xuất, học tập, rèn luyện sức khỏe, xem tivi hoặc phim trên màn ảnh lớn tại hội trường…
Bên cạnh đó, hàng tháng, cơ sở tổ chức các giải thi đấu thể thao nhằm nâng cao thể chất và đời sống tinh thần cho các học viên… Nhằm bảo đảm hiệu quả cai nghiện, các học viên tại cơ sở được phân loại để có phương thức quản lý, giám sát phù hợp. Tuy nhiên, về cơ bản các chế độ trong ngày đối với toàn bộ học viên là tương đồng, bảo đảm các học viên có điều kiện rèn luyện, tránh bỡ ngỡ khi tái hòa nhập cộng đồng sau kết thúc thời gian tại cơ sở.
Phối hợp quản lý học viên sau cai nghiện
Để tăng cường thông tin quản lý học viên sau thời gian cai nghiện tại các cơ sở, Sở LĐTB&XH Hà Nội đã tổ chức thí điểm quản lý lưu trú ngoài cộng đồng, hay còn được hiểu là mô hình chuyển – gửi. Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 là một trong hai đơn vị trên địa bàn Hà Nội tham gia mô hình thí điểm.
Theo đó, cơ sở phối hợp với UBND phường Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm), và 3 phường Ngọc Thụy, Bồ Đề, Ngọc Lâm (quận Long Biên), để tiếp nhận học viên thông qua giấy chuyển – gửi. Sau khi kết thúc thời gian cai nghiện tại cơ sở, các học viên sẽ được chuyển về địa phương. Cơ sở và các địa phương tiếp tục phối hợp để quản lý học viên tại cộng đồng.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Phí Anh Hoàng cho biết, hàng tuần, cán bộ của cơ sở sẽ làm việc với địa phương, trò chuyện trực tiếp với học viên và gia đình của đối tượng để xác định hành vi, sớm có giải pháp phòng ngừa nguy cơ nhiễm lại… “Thực tế trước đây sau khi học viên rời đi, cơ sở gần như kết thúc nhiệm vụ.
Tuy nhiên, với mô hình này, cơ sở sẽ tiếp tục phối hợp cùng địa phương để quản lý học viên tại cộng đồng, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ địa phương trong công tác quản lý người về sau cai nghiện” – ông Hoàng cho hay.
Cũng theo đại diện Cơ sở cai nghiện ma túy số 6, quản lý tại cộng đồng đóng vai trò hết sức quan trọng đối với hiệu quả cai nghiện ma túy và sau cai nghiện. Bởi thực tế cho thấy, công tác cai nghiện không chỉ là sự can thiệp về y tế, mà còn bao gồm nhiều khía cạnh khác như: Tư vấn pháp luật, sức khỏe, tâm lý, đặc biệt là giáo dục hòa nhập cộng đồng…
Vẫn còn không ít khó khăn
Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có hàng nghìn học viên đến và đi từ Cơ sở cai nghiện ma túy số 6, tái hòa nhập tốt với cộng đồng. Mô hình cai nghiện (tự nguyện và bắt buộc) đã đem lại hiệu quả thiết thực về nhiều mặt.
 Học viên Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 trong giờ đào tạo ngoại khóa.
Đối với gia đình đối tượng, có thể yên tâm để làm ăn, công tác. Điều này còn có ý nghĩa lớn về mặt giao tiếp xã hội. Đời sống xã hội sẽ được giữ ổn định, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư vào địa phương… Quan trọng hơn là đối với học viên, họ có thể tìm lại chính mình sau những tháng ngày được rèn dưỡng tại cơ sở, quay trở lại làm người có ích cho gia đình, cộng đồng.
Mặc dù vậy, công tác cai nghiện ma túy cho các đối tượng không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nếu như đối với 350 trường hợp cai nghiện tự nguyện, công tác này có nhiều thuận lợi, thì đối với 250 trường hợp bắt buộc, việc thực hiện 5 giai đoạn cai nghiện gặp khá nhiều khó khăn, do không phải khi nào các học viên cũng có sự hợp tác. Thậm chí, không tí trường hợp còn tỏ ra manh động, có những hành vi bộc phát gây nguy hiểm cho chính những cán bộ làm nhiệm vụ...
Đối tượng nghiện ma túy cũng gồm nhiều thành phần, có tiền án tiền sự, thậm chí là nhiễm HIV/AIDS và các loại bệnh nền khác. Dù vậy tại Cơ sở cai nghiện ma túy số 6, không có bất cứ sự phân biệt nào đối với các nhóm phân loại học viên.
Bên cạnh yếu tố trên, giờ giấc làm việc cũng là trở ngại lớn đối với cán bộ, nhân viên. Thống kê hiện có khoảng 70% cán bộ, công nhân viên, người lao động của Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 phải ăn ở, ứng trực tại cơ quan liên tục 5/7 ngày trong tuần; chỉ có khoảng 30% còn lại là có thể trở về sinh hoạt cùng gia đình hàng ngày.
Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Phí Anh Hoàng cho biết, đặc thù công việc áp lực, căng thẳng, tuy nhiên, một số chế độ, chính sách hiện nay vẫn còn khiến người làm việc trong lĩnh vực này khá thiệt thòi. Đơn cử như: Phụ cấp ưu đãi nghề cho bộ phận gián tiếp chỉ được 15% lương cơ bản (thay vì 40% như bộ phận trực tiếp); trợ cấp thu hút đặc thù cũng chỉ được hưởng 1,25 lần lương cơ bản, thay vì 1,4 lần.
Ngoài ra, lao động hợp đồng theo Nghị định số 68/NĐ-CP thì không được hưởng phụ cấp độc hại… Việc điều chỉnh những chế độ, chính sách này là mong mỏi của nhiều cán bộ, nhân viên làm việc trong lĩnh vực cai nghiện ma túy, để có thể kịp thời động viên, khích lệ và tạo điều kiện tốt nhất cho đội ngũ này thực hiện tốt nhiệm vụ.

"Bản chất của cai nghiện ma túy không chỉ là trợ giúp về y tế mà còn là can thiệp về tâm lý. Chính vì vậy, sự tham gia của các thành phần xã hội trong công tác quản lý, hỗ trợ các đối tượng sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng là hết sức quan trọng…" - Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 6 Phí Anh Hoàng