Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Duyên phận giữa “đôi chân” và” cặp mắt”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Anh Tạ Đình Hán và chị Vũ Hoài Thanh được chọn là cặp vợ chồng hoàn hảo của Hội Khuyết tật Hà Nội.

Vượt qua bao nhiêu trắc trở, khó khăn, anh chị đã đến với nhau bằng tình yêu mãnh liệt và bằng nghị lực, sức mạnh từ tận sâu trong tâm hồn.
 
Anh là “đôi chân” của em

Chúng tôi men theo lối đi nhỏ vào nhà của anh Tạ Đình Hán và chị Vũ Hoài Thanh. Ngôi nhà hai tầng nho nhỏ nằm lọt thỏm giữa phố Ngõ Gạch. Tầng một dùng để kinh doanh tẩm quất của người khuyết tật, còn tầng trên là không gian riêng của cả bốn người trong gia đình anh.
 
Duyên phận giữa “đôi chân” và” cặp mắt” - Ảnh 1
 
Anh Hán chia sẻ về cuộc sống và tình yêu.

Anh Hán bước ra trò chuyện với chúng tôi. Anh mặc chiếc áo thể thao màu đỏ khỏe khoắn, mái tóc được cắt tỉa gọn gàng. Anh có vẻ điển trai, trẻ trung ở cái tuổi 36 và đặc biệt đôi mắt của có con ngươi không hề mờ đục mà ngược lại rất đen, ánh mắt luôn hút hồn người đối diện. Thi thoảng nụ cười bỗng trở nên thoáng dịu dàng mỗi lần nhắc đến vợ anh.
Nỗi buồn của chị Thanh gặp phải khi chị đang học cấp ba. Năm đó chị bị một chiếc xe tải cán nát 1/3 chân trái.

Còn nỗi buồn đến với anh từ năm anh lên lớp 5. Tưởng bị tật khúc xạ nhưng khi đi khám, các bác sĩ thông báo đôi mắt anh bị teo võng mạc khiến cả gia đình anh hoang mang. Cơ hội cứu lấy đôi mắt hết sức mong manh.

Rồi đến một ngày hai con người với mảng đời hoàn toàn xa lạ đó đã cùng chọn môn thể thao là điền kinh. Với khuôn mặt thanh tú, anh Hán được chọn làm mẫu cho các sinh viên trường mỹ thuật vẽ chân dung. Năm 2000, anh Hán tham gia luyện tập tại CLB Thể thao Người khuyết tật Hà Nội với bộ môn điền kinh, còn chị Thanh thì sau khi tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, Trường Cao đẳng Quản trị Kinh doanh, chị “đầu quân” cho Cty Sài Đồng II. Đến đầu năm 2003, chị tham gia CLB Thể thao Người khuyết tật Hà Nội. Tình yêu đến với họ lúc nào không hay. Từ khi yêu nhau, đôi mắt của chị soi sáng những bước đi của anh. Còn đôi chân anh lại trở thành điểm tựa vững chắc cho những bước đi của chị.

“Anh vẫn nhớ những buổi tập bơi, chị không biết bơi, chân lại yếu nên sợ hãi cố bám vào cổ anh. Anh cảm nhận được mình cũng đã có thể làm chỗ dựa cho chị được rồi. Rồi còn những lần đạp xe cùng nhau, anh cũng thêm chân rồi đạp xe cùng chị, anh chỉ cần đôi mắt chị chỉ đường cho anh mà thôi”.

Nhưng tình yêu của hai người lại bị gia đình kịch liệt phản đối, đặc biệt là gia đình chị Thanh. Cũng bởi họ xót thương cho con gái, lo con gái sẽ vất vả, khó khăn khi người thì hỏng mắt, người thì đôi chân không còn lành lặn. Nhưng điều đó không thể ngăn cản nổi tình yêu của anh chị. Và bằng tất cả nghị lực, anh chị đã cưới nhau dưới sự đồng ý, giúp đỡ nhiệt tình gia đình hai bên. Giờ gia đình anh đã có hai con nhỏ, có công việc làm ăn ổn định, và  “anh cảm thấy rất hạnh phúc”. Rồi “dù có khó khăn như thế nào nữa thì quyết định lấy nhau thì sướng khổ là do mình, luôn phải cố gắng dù có gặp phải khó khăn gì đi nữa”.

“Bao giờ thể thao không cần đến anh nữa thì anh mới dừng lại”

Vợ chồng Tạ Đình Hán - Vũ Hoài Thanh, hơn 10 năm qua, họ đã cùng nhau tham dự 4 Para Games và lần nào Hán cũng giành huy chương vàng, còn chị Thanh đã 2 lần trở thành nhà vô địch của cuộc thi. Tháng 10/2012, hai vợ chồng tham gia thi đấu trong cuộc thi thể thao khuyết tật toàn quốc tại TP Hồ Chí Minh. Những nỗ lực không ngừng đã mang lại cho chị Thanh 4 huy chương vàng hạng đơn nữ, đôi nữ, đôi nam nữ và đồng đội ở bộ môn cầu lông, còn anh Hán giành hai huy chương vàng môn điền kinh nam.
 
Duyên phận giữa “đôi chân” và” cặp mắt” - Ảnh 2
 
Gia đình hạnh phúc của vợ chồng anh Hán, chị Thanh.
 
Đến năm 2013, anh Hán tham gia thi đấu thể thao đã được 11 năm. Bây giờ anh đã 36 tuổi nhưng trong anh luôn có suy nghĩ rằng “Bao giờ thể thao không cần anh nữa thì anh sẽ dừng thi đấu, nhưng anh sẽ vẫn đi tập cho đến khi không còn khả năng nữa.”

Ngoài ra anh chị còn dành dụm được chút vốn liếng ít ỏi từ những cuộc thi để mở cửa hàng tẩm quất tại nhà. Lúc đầu chỉ là cửa hàng nho nhỏ 10m2 trong ngõ rồi dần dần mở rộng thêm. Đến nay, anh đã có 3 cơ sở tẩm quất của người khuyết tật. Thêm vào đó, chị Thanh cũng cố gắng nhận thêm một số công việc làm thêm khác như: giao chìa khóa, làm bảo hiểm,..

Cuộc sống của anh chị lại có thêm ánh sáng khi gia đình có thêm hai thiên thần nhỏ. Ngày ngày, chị chở con đi học rồi lại chở anh đi tập luyện. “Chị vất vả lắm, đôi mắt chị là tài sản của cả gia đình, anh mong mình là đôi chân vững chắc, là bờ vai mạnh mẽ để chị tựa vào mãi mãi về sau”, anh Hán tâm sự.