Kết thúc cuộc họp Hội đồng điều hành Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tại Frankfurt (Đức) ngày 4/4, ECB quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,75%, bất chấp tình hình kinh tế yếu kém trong Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) cũng như những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng nợ tại Síp đối với khu vực này.
Phát biểu với báo giới sau cuộc họp, Chủ tịch ECB, Mario Draghi, nói rằng ECB vẫn tin tưởng kinh tế châu Âu sẽ dần phục hồi vào cuối năm nay, mặc dù ông thừa nhận những yếu kém kinh tế đang lan sang cả những nước lớn trong Eurozone.
ECB sẽ "theo dõi rất sát sao" tất cả số liệu kinh tế và tiền tệ dự kiến được công bố trong những tuần tới để đánh giá tác động đối với triển vọng ổn định giá cả. Trong bối cảnh chưa có gì chắc chắn về khả năng hồi phục của kinh tế Eurozone, ECB "sẵn sàng hành động" (cắt giảm lãi suất) nếu cần thiết.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Suy thoái kinh tế ở châu Âu trở nên sâu sắc hơn trong thời gian gần đây, cộng thêm tỷ lệ thất nghiệp đã chạm mức cao kỷ lục trong tháng 2/2013. ECB dự báo kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,5% trong năm nay. Tuy nhiên, ECB đã không hạ lãi suất kể từ tháng 7/2012. Trong khi thế giới hồi phục từ khủng hoảng tài chính, ECB lại kém mạnh tay hơn so với ngân hàng trung ương Nhật Bản, Mỹ và Anh trong việc tung ra các chương trình mua tài sản quy mô lớn, các gói nới lỏng định lượng (QE) và hạ lãi suất xuống 0% để hỗ trợ kinh tế khu vực.
Trong bài phát biểu trên, ông Draghi nhấn mạnh ECB hiểu rõ điều gì có thể làm và điều gì không thể làm, do đó ngân hàng sẽ không sẵn sàng thực hiện một số biện pháp hỗ trợ tăng trưởng kinh tế "mạnh tay" mà các ngân hàng trung ương khác đang thực hiện.
ECB đang cân nhắc một loạt hành động để đẩy mạnh hoạt động cho vay cho các công ty và tiếp thêm sinh lực cho Eurozone hiện "mắc kẹt" trong suy thoái kinh tế hơn một năm qua, tuy ông Draghi không nêu cụ thể những biện pháp này.
Chủ tịch ECB cũng nhấn mạnh ngân hàng không thể thay thế vai trò của chính phủ các nước thành viên trong việc thúc đẩy cải cách cơ cấu và giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công Eurozone. Tuy nhiên, ECB bỏ ngỏ mọi chính sách và giải pháp trong phạm vi quyền hạn của mình để giúp các nước nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng và phục hồi tăng trưởng.
Ngay trước khi ECB công bố giữ nguyên lãi suất, Ngân hàng trung ương Anh (BoE) ngày 4/4 thông báo duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% được áp dụng từ tháng 3/2009. Với mức lãi suất thấp như hiện nay, BoE sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chương trình QE. Ngân hàng này đã bơm tổng cộng 375 tỷ bảng (600 tỷ USD) vào nền kinh tế qua các gói QE./.