Chương trình hợp tác này bao gồm việc cùng đóng góp và chia sẻ các nguồn lực quân sự, trong bối cảnh phần lớn các nước EU phải cắt giảm ngân sách quốc phòng do cuộc khủng hoảng nợ công trong khu vực. Chương trình liên quan tới 11 lĩnh vực quốc phòng, từ máy bay tiếp nhiên liệu trên không đến đào tạo phi công, từ hệ thống theo dõi và trinh sát quân sự đến hợp tác phát triển các loại vũ khí thông minh và hợp tác hậu cần hải quân. Người đứng đầu Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), Claude-France Arnould cho rằng hợp tác giữa các nước EU trong vấn đề này không còn là một sự lựa chọn, mà là điều tất yếu, thậm chí là cấp bách. Theo nhận định, dự án hợp tác trên có thể mang lại hiệu quả lớn trong đầu tư quốc phòng của các nước thành viên EU, vốn có truyền thống duy trì sự tách biệt về lực lượng quân sự và lĩnh vực công nghiệp quốc phòng. Hiệu quả lớn hơn nữa là kế hoạch trên giúp làm chậm lại quá trình suy yếu về khả năng quốc phòng của châu Âu khi thiếu đi sự giúp đỡ của Mỹ, trong bối cảnh Washington đang tăng cường tập trung vào khu vực Thái Bình Dương. Hồi tháng 6/2011, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã lên tiếng cảnh báo tiềm năng quốc phòng của châu Âu suy yếu báo hiệu một tương lai ảm đạm, thậm chí là tăm tối của liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương. Hiện Mỹ đang cung cấp tới 75% kinh phí hoạt động của NATO. Trong chiến dịch không kích Libya vừa qua, các máy bay ném bom của không quân Anh và Pháp hoàn toàn phụ thuộc vào hoạt động tình báo, do thám và tiếp nhiên liệu trên không của Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch trên đang gặp phải khó khăn do cuộc khủng hoảng nợ công trầm trọng tại Eurozone, khiến ngân sách quốc phòng của các quốc gia giảm mạnh. Tổng chi phí quốc phòng của 26 nước thành viên EDA, gồm tất cả các quốc gia thuộc EU trừ Đan Mạch, trong năm 2010 giảm 7% còn 194 tỷ euro, và dự đoán có thể sẽ tiếp tục giảm trong năm nay. Ngân sách chi cho quốc phòng trong năm 2010 của các nước này tương đương 1,6% tổng GDP, và chỉ bằng 2/5 chi phí quân sự của Mỹ./.