Ngày 20/11, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini bày tỏ "vô cùng quan ngại" về số phận của Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) giữa Nga và Mỹ.
Phát biểu trong cuộc họp với các bộ trưởng quốc phòng EU, bà Mogherini cũng kêu gọi đàm phán để tiếp tục duy trì Hiệp ước INF.
Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Federica Mogherini. Ảnh: AFP |
Trước đó, hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo Washington sẽ rút khỏi INF với cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản trong thỏa thuận. Tuy nhiên, phía Nga khẳng định tuân thủ nghiêm chỉnh INF, trong khi Mỹ luôn vi phạm thỏa thuận.
Phát biểu với phóng viên, Đại diện cấp cao EU nêu rõ: "Nếu chúng ta tiến tới hủy bỏ thỏa thuận này, an ninh của châu Âu sẽ bị đặt vào nguy hiểm và chúng tôi không muốn thấy lãnh thổ châu Âu trở lại là một chiến trường cho các cường quốc khác như trong quá khứ. Chúng tôi không muốn trở lại những căng thẳng kiều đó, tình hình đó và chúng tôi vẫn hy vọng có thể cứu vãn và thực thi thỏa thuận".
Trong khi đó, cùng ngày Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng châu Âu cũng nên yêu cầu Nga "tuân thủ đầy đủ và minh bạch" thỏa thuận hạt nhân này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã thảo luận về Hiệp ước INF trong một cuộc đối thoại ngắn nhân dịp dự kỷ niệm kết thúc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất tại Paris hồi tuần trước.
INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987, theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 km tới 5.500km).
Các đồng minh của Mỹ ở châu Âu luôn coi INF là cơ sở giúp kiểm soát vũ khí, đồng thời quan ngại rằng việc hiệp ước này sụp đổ có thể dẫn đến cuộc chạy đua vũ trang mới với khả năng Mỹ triển khai hệ thống tên lửa hạt nhân thế hệ mới tại châu Âu.