Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU kiện Trung Quốc lên WTO

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Liên minh châu Âu (EU) ngày 27/1 sẽ kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về các hành động hạn chế đối với Litva và một số nhà xuất khẩu từ các quốc gia thành viên khác.

"Các biện pháp này (của Trung Quốc) là mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của thị trường đơn lẻ vì chúng ảnh hưởng đến thương mại nội khối và chuỗi cung ứng của EU, đồng thời có tác động tiêu cực đến ngành công nghiệp EU" - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Valdis Dombrovskis nói với Bloomberg.

Ông Dombrovskis cho biết, EU đã thu thập bằng chứng ghi lại các biện pháp hạn chế của Trung Quốc đối với các sản phẩm châu Âu, vì các hành động này được tiến hành một cách không chính thức và nhiều công ty châu Âu miễn cưỡng hợp tác vì họ sợ bị Bắc Kinh gây khó dễ.

Trung Quốc - đối tác thương mại chính của EU - đã bắt đầu chặn các sản phẩm của Litva và một số hàng hóa châu Âu khác có chứa các thành phần từ Litva tại hải quan vào tháng 12/2021, sau khi Đài Loan (Trung Quốc) mở văn phòng đại diện ở Vilnius thay vì thủ đô Đài Bắc. Bắc Kinh coi động thái này là một thách thức đối với chủ quyền của mình.

Bế tắc ngoại giao leo thang sau khi Trung Quốc triệu hồi đại sứ và hạ cấp quan hệ với Litva. Trong khi đó, Chính phủ Litva đã bác bỏ bất kỳ sự thay đổi nào đối với tên của văn phòng đại diện. Trung Quốc đã phủ nhận rằng họ đang chặn xuất khẩu của Litva.

Động thái hôm 27/1 của EU phần lớn mang tính hình thức vì sẽ mất vài năm để vụ việc được tiến hành thông qua hệ thống giải quyết tranh chấp còn tồn đọng của WTO. Ngay cả khi EU giành được phán quyết ban đầu, Trung Quốc về cơ bản có thể phủ quyết bằng cách kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm không hoạt động của WTO.

Vụ kiện có thể là bài kiểm tra lớn đầu tiên đối với một cơ chế giải quyết tranh chấp do EU tạo ra - được gọi là thỏa thuận kháng cáo tạm thời của nhiều bên, trong đó Trung Quốc và EU đều là thành viên.

Sau khi EU khởi động vụ kiện, Trung Quốc có 60 ngày để tham vấn với khối. Nếu không giải quyết được vấn đề, Brussels có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm của WTO. Những thủ tục trên thường kéo dài hơn thời hạn quy định tối đa là 9 tháng.

Hiệp hội các nhà công nghiệp thuộc Liên đoàn Litva - hiệp hội doanh nghiệp lớn nhất của đất nước - cho biết khoảng 130 công ty không thể gửi sản phẩm đến Trung Quốc hoặc thông quan các chuyến hàng qua hải quan. Các quan chức EU cho biết giá trị kinh tế của các container bị chặn là khoảng 26,5 triệu euro (29,9 triệu USD).

Các ngành bị ảnh hưởng nhiều nhất là dược phẩm, laser, điện tử và thực phẩm và đồ uống.

Các biện pháp cưỡng chế của Trung Quốc cũng nhằm vào các mặt hàng xuất khẩu của EU từ các nước châu Âu khác có chứa các thành phần từ Litva. Bắc Kinh cũng đang hạn chế xuất khẩu sang quốc gia Baltic và các công ty Trung Quốc đang hủy đơn đặt hàng từ các công ty Litva.

Ông Dombrovskis cho biết: “Theo một khía cạnh nào đó, Trung Quốc cũng đang gây áp lực buộc các công ty đa quốc gia phải từ bỏ việc sử dụng các thành phần từ Litva trong sản xuất của họ, nếu không, họ cũng có thể phải đối mặt với các hạn chế nhập khẩu. "Rõ ràng là những cách làm này mà Trung Quốc áp dụng là vi phạm các quy định của WTO" - Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu nói.

Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, thương mại hàng hóa từ Litva sang Trung Quốc đã giảm 91% trong tháng 12/2021 so với cùng kỳ năm trước. Số liệu của EU hiện vẫn chưa có.

Động thái mới nhất trong tranh chấp với Trung Quốc diễn ra khi EU đang chuẩn bị một cơ chế chống cưỡng chế mới, cho phép đưa ra các biện pháp đối phó trong các tình huống như trường hợp của Litva.

Khối là một trong những khu vực tài phán đầu tiên thiết kế một công cụ như vậy và tranh chấp giữa Litva - Trung Quốc đã khiến các nhà ngoại giao quan tâm đến việc thảo luận về công cụ này ở cấp G7.