Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Báo Kinh tế & Đô thị điện tử cập nhật các diễn biến liên quan đến thị trường châu Âu và toàn cầu trong bối cảnh giảm phát, thất nghiệp và vấn đề tại Hy Lạp tiếp tục là nhân tố tác động chính.

Cập nhật theo giờ GMT+7

12h40: Lời cảnh báo của Berlin

Trong một hội nghị về lĩnh vực bảo hiểm vừa kết thúc tại Berlin, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho biết, nước này sẽ tham gia cá cuộc đàm phán về các điều khoản cứu trợ với chính phủ mới của Hy Lạp. Tuy nhiên, ông Schäuble đã cảnh báo, Athens cần phải hành động nhanh chóng trước khi châu Âu đánh mất sự kiên nhẫn của mình về chương trình thắt lưng buộc bụng mà Hy Lạp đã cam kết thực hiện.
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 1

Bộ trưởng Tài chính Đức.
Bộ trưởng Schäuble cũng khẳng định, EU cần sự đoàn kết nhưng không có nghĩa là sẽ để cho Hy Lạp thoải mái gây sức ép với các chủ nợ quốc tế. 

12h10: Tỷ lệ thất nghiệp tại Eurozone bất ngờ giảm
Theo thống kê, tỷ lệ thất nghiệp tai Eurozone bất ngờ giảm xuống 11,4% trong tháng 12/2014 từ 11,5% trong tháng 11. Đây là mức thấp nhất trong vòng hơn 2 năm qua, kể từ tháng 8/2012.
Các nhà kinh tế dự đoán tỷ lệ này sẽ không có nhiều thay đổi trong thời gian tới do một số nước vẫn vật lộn trong nợ nần và giảm phát.
Ngoài ra, sự chênh lệch của tỷ lệ thất nghiệp giữa các quốc gia trong khu vực là khá lớn. Hy Lạp vẫn giữ kỷ lục về thất nghiệp với 25,8%; Tây Ban Nha ở mức 23,7%. Tỷ lệ này thấp nhất ở Đức với 4,8%, và tiếp sau là Áo với 4,9%. Số người thất nghiệp ở khu vực châu Âu là 18,1 triệu người trong tháng 12. 
11h58: Nga bất ngờ hạ lãi suất cơ bản

Một tháng sau khi nâng lãi suất lên 17%, Ngân hàng T.Ư Nga đã quyết định hạ lãi suất cơ bản xuống 15% do lo ngại nguy cơ suy thoái của nền kinh tế. Với 6 lần liên tiếp nâng lãi suất trong năm 2014, các DN và ngân hàng tại Nga đang rất chật vật trong việc huy động vốn để duy trì hoạt động. Tuy nhiên, khi quyết định hạ lãi suất, Ngân hàng T.Ư Nga chấp nhận đồng ruble sẽ lao dốc và lạm phát hiện ở mức 13,1% sẽ tiếp tục tăng mạnh.
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 2

Ngân hàng T.Ư Nga
Theo các nhà hoạch định chính sách Nga, lạm phát và kỳ vọng lạm phát có khả năng giảm trong thời gian tới khi kinh tế nước này dần thích nghi với diễn biến thất thường của đồng ruble. Trước mắt, tỷ lệ lạm phát sẽ lên mức kỷ lục vào quý II năm nay do đồng ruble lao dốc. Trên thực tế, ngay sau quyết định này, đồng ruble đã giảm 1,7% so với USD xuống 69,899 ruble.

11h50: EU sẽ giúp đỡ Hy Lạp
Thủ tướng Pháp Manuel Valls đang ở thăm Trung Quốc đã cố gắng xoa dịu sự lo lắng của Bắc Kinh trước những diễn biến tại Hy Lạp. Trung Quốc hiện là một trong những nhà đầu tư nắm nhiều cổ phiếu của châu Âu nhất hiện nay.
Theo Thủ tướng Valls, Hy Lạp sẽ tiếp tục ở lại Eurozone và EU sẽ nỗ lực giúp Athens vượt qua khủng hoảng nhưng với điều kiện nước này phải tôn trọng các cam kết của mình với các chủ nợ quốc tế.
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 3

Thủ tướng Pháp thăm nhà máy sản xuất máy bay Airbus A320 tại Trung Quốc.
Trong bối cảnh kinh tế Pháp tiếp tục rơi vào tình trạng giảm phát, Thủ tướng Valls hy vọng sẽ thuyết phục được Trung Quốc rót tiền vào các dự án đầu tư và đẩy mạnh nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp nước này. Tuy nhiên, những diễn biến tại Hy Lạp khiến nhiều nhà đầu tư Trung Quốc cân nhắc nhiều hơn trước khi quyết định đầu tư vào lãnh thổ châu Âu.

11h13: IS tấn công thành phố công nghiệp dầu mỏ của Iraq

Sáng 30/1, Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) một lần nữa cho thấy sự táo tợn của mình khi quyết định phát động chiến dịch tấn công vào Kirkuk – thành phố sản xuất dầu mỏ lớn ở phía bắc Iraq.

Nhiều chuyên gia cho rằng, IS phát động chiến dịch này nhằm buộc quân đội của người Kurd phải từ bỏ nỗ lực chiếm lại Mosul – nơi đã trở thành thành trì của IS tại Iraq. Những ngày qua, máy bay chiến đấu của liên quân quốc tế đã thực hiện nhiều cuộc không kích ở vùng ngoại ô Mosul nhằm hỗ trợ cho người Kurd dành lại quyền kiểm soát khu vực này. Tuy nhiên, IS cho thấy mình không phải là đối thủ dễ bắt nạt khi chủ động đánh chiếm các thành phố khác.
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 4
Ít nhất 1 tướng lĩnh của lữ đoàn Peshmerga của người Kurd đã thiệt mạng trong cuộc đụng độ này, trong khi lữ đoàn Peshmerga đã tiêu diệt được 3 chiến binh IS. Ngoài ra, ít nhất 2 phần tử khủng bố đã tử vong trong một vụ đánh bom tự sát nhằm giữ chân lực lượng của người Kurd để các mũi tấn công khác đánh chiếm Kirkuk.

Trước đó hồi cuối tháng 11/2014, quân đội Iraq cùng lực lượng Peshmerga người Kurd đã đẩy lùi một đợt tấn công của IS hòng chiếm Kirkuk. Nhờ chiến dịch không kích của liên quân, người Kurd đã giành lại lãnh thổ từ tay IS. Tuy nhiên, thành phố dầu mỏ chiến lược ở miền bắc Iraq vẫn là mục tiêu hấp dẫn đối với IS vì vị trí địa lý quan trọng và có nhiều mỏ dầu trữ lượng lớn.
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 5
11h10: Varoufakis - chính trị gia thú vị
Tại Athens, tân Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis đã đến cuộc họp quan trọng với ông Jeroen Dijsselbloem - Chủ tịch Eurogroup trên chiếc xe phân khối lớn 1300 CC của Yamaha – một hình ảnh tương đối lạ lẫm đối với các chính trị gia Hy Lạp. Từng có thời gian học tập, giảng dạy tại Anh, Mỹ, Australia trong nhiều năm trước khi trở về Hy Lạp để đảm nhận vị trí quan trọng trong nội các mới, Bộ trưởng Yanis Varoufakis đã nổi lên như một chính trị gia thú vị bậc nhất Hy Lạp trong thời điểm hiện tại.
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 6
Sự hâm mộ có vẻ thái quá tại một quốc gia mà người dân thường xuyên biểu lộ sự chán ngán khi đề cập đến các chính trị gia là nhân tố hứa hẹn sẽ giúp ông Varoufakis có được lợi thế nhất định khi thực thi các chính sách của mình trong tương lai.  

7h59: Đàm phán cho tương lai

Trong ngày hôm nay, mọi sự chú ý tập trung vào cuộc làm việc giữa tân Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras, tân Bộ trưởng Tài chính Yanis Varoufakis với ông Jeroen Dijsselbloe - người đứng đầu Nhóm Bộ trưởng Tài chính khu vực Eurozone (còn gọi là Eurogroup). 
EU và Hy Lạp bắt tay tìm kiếm tương lai - Ảnh 7
Bộ trưởng tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloe - người đứng đầu Eurogroup
Sau một loạt các tâm chấn làm rúng động cả châu Âu trong vài ngày qua, Athens tiếp tục trở thành nơi diễn ra các cuộc đàm phán về tương lai của Hy Lạp. Cuộc họp quan trọng này sẽ diễn ra vào lúc ​​16h30 (14h30 GMT), nơi chính phủ mới của Hy Lạp cố gắng thương lượng với các chủ nợ quốc tế và các quan chức tài chính EU về các điều khoản của chương trình cứu trợ. 

Mặc dù chính quyền mới của Hy Lạp và quan chức châu Âu đều khẳng định sẽ gạt bỏ mọi bất đồng để tìm được điểm chung nhưng với những gì mà ông Tsipras đã tiến hành trong vài ngày qua để hiện thực hóa cam kết tranh cử của mình, nhiều khả năng hai bên sẽ khó đạt được mục tiêu đề ra. 

Trong một nỗ lực nhằm thương lượng với châu Âu về chương trình thắt lưng buộc bụng, tân Bộ trưởng Tài chính của ông Yanis Varoufakis sẽ tới London trong ngày Chủ nhật trước khi đến Pháp, Tây Ban Nha và Italia để gặp các quan chức chủ nhà.