Theo điều tra của hãng nghiên cứu Markit vừa công bố cuối tuần qua, hoạt động kinh doanh tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) ở mức cao nhất trong chín tháng trở lại đây trong tháng 12/2012.
Theo giới phân tích, mặc dù bước đầu có sự phục hồi, nhưng tình hình kinh doanh ở khu vực này vẫn chưa thoát khỏi vùng tăng trưởng âm.
Theo thống kê sơ bộ, Chỉ số sản lượng tổng hợp trong Chỉ số quản lý sức mua (PMI) do công ty nghiên cứu Markit đưa ra nhích lên mức 47,3 điểm trong tháng 12/2012, so với 46,5 điểm trong tháng 11/2012 và đang tiến gần đến ngưỡng 50 điểm (là ranh giới giữa tăng trưởng và sụt giảm).
(Nguồn: dw.de)
Trong khu vực dịch vụ, PMI có bước hồi phục đáng kể, từ 46,7 điểm trong tháng 11/2012 lên 47,8 điểm trong tháng 12/2012, trong khi PMI trong lĩnh vực chế tạo chỉ nhích nhẹ lên 46,3 điểm.
Theo Markit, sự cải thiện của PMI trong tháng 12/2012 cho thấy giai đoạn tồi tệ nhất ở Eurozone đã qua, sau khi hoạt động kinh doanh giảm tới 15 tháng trong 16 tháng trở lại đây. Nhà kinh tế chủ chốt của Markit, Chris Williamson, cho hay trong tháng 12/2012, tình hình suy giảm ở Eurozone có dấu hiệu dịu lại, làm tăng thêm hy vọng rằng triển vọng kinh tế khu vực này sẽ sáng sủa hơn trong năm 2013.
Theo nhà kinh tế này, ngày càng có nhiều khả năng kinh tế Eurozone sẽ tăng trưởng trở lại trong 6 tháng đầu năm 2013 nếu duy trì được sự cải thiện gần đây của các chỉ số PMI và không có cú sốc bất ngờ nào xảy ra.
Tuy nhiên, các nhà phân tích lưu ý không nên trông cậy quá nhiều vào số liệu trên. Nhà kinh tế Howard Archer thuộc IHS Global Insight cho rằng hầu hết các nền kinh tế trong khu vực có vấn đề, trong đó đáng lưu ý là Pháp, Tây Ban Nha và Italy.
Nhà kinh tế này dự đoán kinh tế Eurozone sẽ giảm 0,2% trong quý IV/2012 và mức độ hồi phục trong thời gian sau đó bị hạn chế bởi các chính sách kinh tế bị thắt chặt và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao.
Cơ quan thống kê (Eurostat) cuối tuần qua cho hay tỷ lệ lạm phát của Eurozone gồm 17 nước thành viên trong tháng 12/2012 đã giảm xuống 2,2%, thấp hơn mức 2,5% trong tháng 10/2012, do kinh tế yếu đi đã làm giảm sức ép lên giá cả./.