Kinhtedothi - Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và đoàn đại biểu Việt Nam đã có chuyến thăm làm việc tại Vương quốc Bỉ và Liên minh châu Âu (EU).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Vương quốc Bỉ Charles Michel. Ảnh: TTXVN
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo EU đã tuyên bố chính thức kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA). Sự kiện này đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ song phương và mở ra cơ hội hợp tác lớn về đầu tư giữa Việt Nam với EU cũng như với các nước thành viên của Liên minh.
Hồi đầu tháng 8, lãnh đạo Chính phủ Việt Nam và EU tuyên bố đã kết thúc cơ bản đàm phán EVFTA sau gần 3 năm đàm phán. Không chỉ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế, với mức độ cam kết đã đạt được, lãnh đạo hai bên đều nhận định, EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao và bảo đảm cân bằng lợi ích cho cả Việt Nam và EU.
Theo đó, về xuất khẩu, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong EVFTA sẽ là một cú hích quan trọng để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu, đặc biệt là những sản phẩm mà hai bên có thế mạnh như dệt may, giày dép, nông thủy sản, đồ gỗ của Việt Nam và máy móc, thiết bị, ô tô, xe máy, đồ uống có cồn, một số loại nông sản của EU. Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 99% số dòng thuế. Đối với rất ít số dòng thuế còn lại, hai bên sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Đây có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay.
Trong lĩnh vực đầu tư, các cam kết nhằm bảo đảm một môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng hơn trong Hiệp định sẽ giúp thúc đẩy luồng vốn đầu tư chất lượng cao của EU và cả các đối tác khác vào Việt Nam. Các cam kết liên quan đến đầu tư, tự do hóa thương mại dịch vụ, mua sắm của Chính phủ, bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng sẽ mở ra cơ hội cho cả hai bên tiếp cận thị trường của nhau, bảo đảm lợi ích tổng thể, cân bằng. Mặt khác, các cam kết này cũng đòi hỏi Việt Nam điều chỉnh một số quy định trong nước liên quan. Tuy nhiên, về cơ bản, việc điều chỉnh này phù hợp với chủ trương cải cách thủ tục hành chính, đổi mới mô hình tăng trưởng của Việt Nam nên về lâu dài sẽ mang lại tác động tích cực đến tiến trình cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống chính sách, quy định liên quan.
Cao ủy Thương mại của EU Cecilia Malmstroem nhận định, Việt Nam là một nền kinh tế đang phát triển và một khi hiệp định này đi vào thực thi, nó sẽ mang lại những cơ hội mới quan trọng cho DN của cả hai phía thông qua việc tăng cường khả năng tiếp cận thị trường đối với hàng hóa và dịch vụ. Theo các quan chức EU, khoảng 31 triệu việc làm ở châu Âu phụ thuộc vào việc xuất khẩu nên việc tiếp cận thuận lợi hơn với một thị trường có tới 90 triệu người tiêu dùng như Việt Nam là tín hiệu đáng mừng. Giới chức EU cũng nhấn mạnh, EVFTA là mô hình mới trong việc đàm phán FTA giữa EU với các nước đang phát triển, với ít sự cạnh tranh và đề cao tinh thần hợp tác “cùng thắng”. Sự kiện này cũng là dấu mốc quan trọng trong thúc đẩy thương mại của EU với khu vực ASEAN.
Bên cạnh thuận lợi cũng mở ra không ít thách thức, nhưng các DN Việt Nam tin rằng, EVFTA khi triển khai trên thực tế sẽ góp phần quan trọng trong việc đưa Việt Nam hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, đồng thời có vị trí quan trọng trong một sân chơi rộng lớn.