Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

EVN đề xuất 2 phương án giá bán điện mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Bộ Quy trình kinh doanh điện năng bắt đầu từ ngày 1/9/2015.

Theo đó để bảo đảm quyền giám sát công tác ghi chỉ số công tơ điện, khách hàng có thể lựa chọn các hình thức: Trực tiếp giám sát việc ghi chỉ số; Hoặc có thể thông qua người đại diện như tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn, đại diện dân cư hoặc tổ chức, cá nhân được khách hàng sử dụng điện ủy quyền. Mọi giải đáp và thắc mắc của khách hàng về công tác ghi chỉ số phải được giải quyết nhanh chóng trong vòng 24 giờ.

Trước đó, EVN cũng đưa ra đề án cải tiến cơ cấu biểu giá điện bậc thang. Cùng với mức giá bán theo bậc thang hiện nay, EVN đã nghiên cứu thêm 2 phương án xây dựng biểu giá điện sinh hoạt mới. Ở phương án thứ nhất, EVN đề xuất áp dụng giá điện đồng giá ở mức 1.747 đồng/kWh, chính là mức giá điện bình quân của biểu giá sinh hoạt hiện nay. Với phương án này, người dân sẽ không còn phải trả tiền điện theo kiểu lũy tiến, càng dùng nhiều điện càng phải chịu đơn giá cao. Cách tính giá điện này cũng sẽ chấm dứt tình trạng bù lỗ giá điện ở 50kWh đầu cho người nghèo. Theo đó, với những hộ dân sử dụng từ 200 kWh trở xuống sẽ phải chịu mức giá tiền điện cao hơn, do các mức đơn giá ở khoảng này là thấp hơn mức trên. 50kWh đầu hiện có giá 1.484 đồng/kWh, 100kWh/tháng có giá 1.533 đồng/kWh và 200kWh/tháng thì trả mức 1.786 đồng/kWh. Phương án thay đổi thứ 2, EVN đề xuất giảm số bậc thang hiện hành từ 6 bậc về 3 hoặc 4 bậc nhưng vẫn đảm bảo mức giá sinh hoạt bình quân là 1.747 đồng/kWh. Phương án này có tới 5 kịch bản rất chi tiết.

Tuy mới chỉ là các phương án đang nghiên cứu, lấy ý kiến, nhưng theo TS Nguyễn Minh Phong nhận xét, EVN vẫn chưa thoát ra khỏi tư duy trong việc bảo vệ lợi ích của mình trong việc thiết kế các phương án. Thực tế các phương án trên chỉ mang tính gia giảm để bảo vệ mức doanh thu của EVN, nên có rất nhiều bất cập. Chính vì thế, để đảm bảo hài hòa các lợi ích chỉ nên xây dựng 2 phương án cơ bản. Một là dưới 100 kWh, dành cho an sinh xã hội, loại 2 từ trên 100 kWh trở lên tính đồng giá. Tuy nhiên, đối với những ngành, dịch vụ sử dụng công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều điện năng: luyện kim, khai khoáng,… có thể xây dựng mức giá riêng. Mức tính này cần tính toán cụ thể để khuyến khích các DN sử dụng công nghệ mới, tiết kiệm, hiệu quả.

Dự kiến cuối tháng 9 hoặc đầu tháng 10 tới, sau khi lấy ý kiến rộng rãi EVN sẽ có văn bản chính thức về biểu giá bán điện mới trình Bộ Công Thương.