Tuy nhiên, FED tỏ dấu hiệu về việc tiến tới một cách thức mới mang tính bao quát trong việc hoạch định chính sách, với căn cứ là số liệu hàng quý về tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp và tăng trưởng kinh tế. Cân nhắc tới những yếu tố này, FED có thể tiến hành một đợt mua trái phiếu mới trong những tháng tới nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế. Đến giữa năm tới, khi chương trình kích thích hiện nay là "Operation Twist" kết thúc, tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao và lạm phát giảm có thể sẽ gây những lo ngại. Trong bối cảnh đó, FED có thể phải hành động nhằm giảm khả năng xảy ra giảm phát cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, một khó khăn cho FED trong việc ngăn chặn khả năng xảy ra giảm phát nếu sử dụng công cụ lãi suất là lãi suất hiện đã ở mức gần 0%. Do đó, điều quan trọng là không để xảy ra tâm lý trì hoãn mua sắm để chờ giá giảm hơn nữa của người tiêu dùng. Giảm phát trở thành một mối lo cho kinh tế Mỹ, khi lạm phát có thể giảm hơn một nửa trong năm tới, trong lúc tỷ lệ thất nghiệp vẫn cao gần gấp đôi so với mức trước khi kinh tế suy thoái. Lạm phát ở nước này được dự báo sẽ giảm xuống 1,3% vào tháng 10/2012, so với mức đỉnh điểm 3,9% vào tháng Chín và mục tiêu 1,7-2% mà FED đặt ra. Lo ngại về khả năng xảy ra giảm phát là có căn cứ khi giá nhà tại nước này giảm khoảng 1/3 so với trước suy thoái, chỉ số chứng khoán của Standard & Poors giảm 1/5, còn chỉ số hàng hóa Reuters-Jefferies CRB giảm 1/3 so với mức đỉnh điểm năm 2008. Trong lĩnh vực chế tạo, số liệu của Viện Quản lý Nguồn cung cho thấy, tăng trưởng của lĩnh vực này trong tháng 10 đã chậm lại, với chỉ số quản lý thu mua giảm từ 51,6% trong tháng trước xuống 50,8%. Mặc dù vậy, đây vẫn là tháng tăng trưởng thứ 27 liên tiếp của lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế, khi số đơn đặt hàng mới tăng trở lại sau ba tháng giảm. Tình trạng chậm lại trong hoạt động sản xuất cũng diễn ra tại Canada, Anh và Trung Quốc. Tăng trưởng trong hoạt động sản xuất tại các nền kinh tế xuất khẩu lớn ở châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong gần ba năm. Hoạt động chế tạo tại Anh giảm mạnh là dấu hiệu mới nhất cho thấy có thể châu Âu đang trên bờ vực của một cuộc suy thoái. Trong vấn đề cắt giảm thâm hụt ngân sách, các chuyên gia cảnh báo hậu quả sẽ là khó lường nếu siêu ủy ban của Quốc hội của Mỹ về vấn đề này không đạt được một thỏa thuận nhằm hạ mức thâm hụt ít nhất là 1.200 tỷ USD trong một thập kỷ tới trước thời hạn 23/11. Các cơ quan xếp hạng tín dụng đã nói tới khả năng đánh tụt xếp hạng của Mỹ, điều sẽ khiến chi phí vay mượn của nước này tăng cao, từ đó dẫn tới tình trạng hỗn loạn trên các thị trường tài chính trong thời điểm kinh tế toàn cầu vẫn chưa ổn định./.