Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

FED giám sát giám sát diện rộng tổ chức tài chính

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ cho hay Fed đang giám sát chặt chẽ hơn các thị trường tài sản và những lĩnh vực phi tài chính, gồm cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Ben Bernanke cho hay Fed đang chủ chương giám sát trên diện rộng những tổ chức tài chính có nguy cơ dẫn tới khủng hoảng tài chính.

 
FED giám sát giám sát diện rộng tổ chức tài chính - Ảnh 1
 
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Ben Bernanke. (Ảnh: rollcall.com)
 

Trong số các tổ chức tài chính trong diện bị giám sát này bao gồm cả các ngân hàng được xem như là “quá lớn để sụp đổ,” tức là những ngân hàng có quy mô lớn tới mức chính phủ buộc phải can thiệp hỗ trợ khi họ gặp khó khăn nhằm tránh đặt hệ toàn bộ hệ thống tài chính trước nhiều nguy cơ.

Fed - Ngân hàng trung ương của Mỹ - vẫn giám sát các ngân hàng và các tổ chức tài chính có tầm quan trọng về mặt hệ thống, nhưng hiện đã mở rộng diện giám sát sang cả những tổ chức tài chính có thể làm dấy lên nguy cơ khủng hoảng hoặc khiến cho toàn bộ hệ thống tài chính dễ bị tổn thương hơn.

Phát biểu tại hội nghị ngân hàng do chi nhánh của Fed ở Chicago tổ chức cuối tuần qua, ông Bernanke cho hay Fed cũng đang giám sát chặt chẽ hơn các thị trường tài sản và những lĩnh vực phi tài chính, gồm cả người tiêu dùng và các doanh nghiệp.

Ông Bernanke nhắc lại rằng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã đẩy Mỹ vào cuộc suy thoái kinh tế tồi tệ nhất kể từ thập niên 1930 và đến nay nước này vẫn chưa thoát khỏi những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng và suy thoái kinh tế này. Nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện chưa thể tạo lại được số việc làm đã bị mất trong cuộc suy thoái và khủng hoảng nói trên.

Năm 2010, Quốc hội Mỹ đã thông qua việc cải cách Đạo luật Dodd-Frank và Tổng thống Mỹ đã ký thành luật. Tuy nhiên, những người phản đối cuộc cải cách tài chính này, bao gồm nhiều ngân hàng lớn nhất nước, đã nỗ lực để lật ngược các điều khoản chủ chốt nhằm vào một số tổ chức có ảnh hưởng nhất.

Đạo luật tài chính trên đưa ra những quy định cứng rắn hơn đối với các tổ chức được coi là “quá lớn để sụp đổ”. Nhiều quy định trong số này đã được thực hiện, trong đó phải kể tới việc các ngân hàng phải tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc để phòng ngừa rủi ro, còn các nhà chức trách có quyền tịch biên các công ty được coi là đang đe dọa cả hệ thống, yêu cầu chia nhỏ và bán từng phần.

Theo Đạo luật Dodd-Frank, những ngân hàng lớn nhất sẽ được liệt vào nhóm các tổ chức tài chính quan trọng về mặt hệ thống (SIFI) và phải trải qua các cuộc sát hạch của Fed về sức bền kể từ năm 2009.

Chủ tịch Bernanke cho hay Fed và các cơ quan pháp chế ngành ngân hàng đang nỗ lực áp đặt các quy định cần thiết để triển khai điều khoản về vấn đề “quá lớn để sụp đổ”. Ông nói rằng nếu cải cách tài chính không giải quyết được đầy đủ vấn đề này, các cơ quan pháp chế có thể sẽ phải tiếp tục nâng tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng.

Bên cạnh đó, ông Bernanke cho hay việc phát hiện những bong bóng tài sản (chẳng hạn như sự tăng mạnh giá nhà đất) có thể góp phần châm ngòi khủng hoảng tài chính là vô cùng khó khăn.

Ông cũng tỏ ra thận trọng về sự tăng điểm kỷ lục của thị trường chứng khoán Phố Uôn giữa tuần qua, trong bối cảnh Fed đang giữ lãi suất cơ bản xấp xỉ 0% đồng thời mỗi tháng bơm 85 tỷ USD để mua trái phiếu nhằm hỗ trợ đà phục hồi kinh tế còn yếu của nước này.