Đó là ý kiến của ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương khi nói đến những lợi ích mà các FTA mang lại cho DN. Cân bằng lại thị trường xuất khẩu Theo Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2014, Việt Nam đã tham gia 8 FTA, trong đó có 6 FTA khu vực ASEAN và các đối tác; 2 FTA song phương với Nhật Bản và Chile. Hiện, Việt Nam đang đàm phán 7 FTA. Đặc biệt, một số FTA mới chuẩn bị được ký kết với mức độ tự do hóa cao hơn, như: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam – EU… Ông Khánh nhận định, việc tham gia các FTA có tác động tích cực đến kim ngạch XK, giúp giảm dần việc nhập siêu. Đơn cử, trước khi có FTA ASEAN - Hàn Quốc, XK của Việt Nam sang Hàn Quốc chỉ tăng bình quân 6%/năm, nhưng sau khi FTA được ký kết, kim ngạch đã tăng lên mức 38%/năm. Về phía góc độ DN và hiệp hội ngành nghề, ông Lê Tiến Trường - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) chia sẻ, các FTA là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, do vậy nếu không mở cửa và hội nhập sâu sẽ hết cơ hội để mở rộng thị trường. Riêng với ngành dệt may, sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thị phần dệt may của Việt Nam tại Mỹ đã tăng từ 5% lên 37%, chủ yếu là lấy được thị phần của Trung Quốc. Hiện tại, 70% kim ngạch nhập khẩu, 50% kim ngạch XK của Việt Nam phụ thuộc vào thị trường Đông Á, do đó, nếu xảy ra vướng mắc sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu. Như vậy, việc Việt Nam đã ký kết 8 FTA sẽ góp phần giúp các DN cơ cấu thị trường XK một cách cân bằng, không phụ thuộc vào một thị trường nhất định. “Đơn cử, khi tham gia TPP, Việt Nam sẽ trở thành một thành tố của chuỗi giá trị toàn cầu, qua đó giúp DN mở rộng thị trường XK; tái cơ cấu xuất - nhập khẩu” - ông Khánh khẳng định. Thực tế hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN sau khi Việt Nam ký 8 FTA cho thấy, các FTA này đã giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, từ đó thúc đẩy đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh DN, đẩy mạnh cải cách hành chính. Như vậy, các FTA là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, những DN tận dụng được lợi ích sẽ có khả năng cạnh tranh bền vững hơn, hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Cơ cấu lại sản xuất Nhiều DN lo lắng, việc ký kết nhiều FTA sẽ khiến DN phải đối mặt với sự cạnh tranh của DN nước ngoài nên dễ bị tổn thương. Tuy nhiên, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: Mặc dù hầu hết các DN Việt Nam là DN vừa và nhỏ nhưng nếu DN đi vào từng thị trường “ngách”, cơ hội chiến thắng sẽ được chia đều cho tất cả. Như vậy, xét về tổng thể thì việc hội nhập là cách tốt nhất để DN thực hiện tái cơ cấu, nâng cao năng lực cạnh tranh. Đặc biệt, FTA còn giúp Việt Nam hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, thúc đẩy đầu tư trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh của DN. Nhiều chuyên gia cho rằng, đại đa số hàng XK của Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng thấp và dễ bị thay thế. Các FTA chính là cơ hội để thực hiện tiến trình tái cơ cấu sản xuất, kinh doanh, nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trên sản phẩm. Do vậy, nếu không mở cửa và hội nhập sâu, rất có thể các DN sẽ hết cơ hội để mở rộng thị trường. "Riêng dệt may có 6.000 - 7.000 DN, việc Việt Nam ký kết nhiều FTA sẽ giúp ngành sàng lọc DN yếu kém, qua đó có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu một cách vững chắc hơn" - ông Trường nhận xét. Vậy là, bên cạnh những mặt tích cực, các FTA còn ẩn chứa một số rủi ro đối với DN. Tuy nhiên, bản thân các DN khi tham gia FTA đều sẽ có biện pháp ngăn chặn, giải quyết để phát triển mạnh mẽ từ việc mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa.